Ai dễ bị vắt chui vào mũi làm tổ?
Lãnh đạo Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) cho biết, tất cả các bệnh nhân bị đỉa, vắt chui vào mũi làm tổ mà bệnh viện đã tiếp nhận đều là những người hay đi làm rừng; hay tắm sông, tắm suối; uống nước sông, nước suối… Có người uống nước ở các dòng suối tự nhiên, trong nước có con vắt rất nhỏ mà không hề biết nên vắt chui lên mũi, hút máu hàng ngày và làm tổ tại đó.
Triệu chứng ban đầu khi vắt sinh sống trong mũi người chỉ là nhột, ngứa, chảy nước mũi… Để lâu ngày mới gây đau đớn, khó thở, chảy máu, nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu mãn tính (do bị vắt hút). Đặc biệt, trong quá trình vắt hút máu còn tiết ra một chất chống đông máu nên sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân.
Trong thời gian qua, nhiều người ở Khánh Hòa bị ngứa mũi, khó chịu cứ ngỡ là bị dị ứng với thời tiết nhưng khi đi khám và nội soi mới tá hỏa phát hiện ra một dị vật sống đang cựa quậy, uốn lượn trong mũi, đó chính là vắt.
Điển hình như bệnh nhân B.N (thường trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Vài tuần trước, một bên mũi của bệnh nhân xảy ra các triệu chứng như ngứa ngáy, chảy máu mũi, đau rát khó chịu... Bệnh nhân tưởng cảm cúm thông thường nhưng triệu chứng ngày càng nặng nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để thăm khám.
Qua thăm khám và nội soi mũi họng, các bác sĩ phát hiện ra một dị vật đang di chuyển mạnh trong khe mũi, đó chính là vắt. Sau khi làm các thủ thuật lấy con vắt ra, mũi bệnh nhân dần trở lại bình thường.
Tương tự như bệnh nhân B.N, bệnh nhân T.H (cũng trú tại Ninh Hòa, Khánh Hòa) sau mấy lần tắm suối thì thấy một bên mũi đau nhức, chảy máu như máu cam kèm theo sự ngứa ngáy. Bệnh nhân nhỏ nước muối vệ sinh mũi và uống thuốc cảm cúm nhưng vẫn không khỏi nên đi khám, nội soi. Qua nội soi tại bệnh viện phát hiện con vắt to mập, dài khoảng 6cm đã làm tổ và sống trong mũi suốt nhiều ngày.
Bác sĩ khuyến cáo
Trước tình trạng nhiều bệnh nhân ở Khánh Hòa phải nhập viện vì vắt chui vào mũi sinh sống, làm tổ, bác sĩ Võ Quang Minh Hiếu - Phó Trưởng khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) khuyến cáo, vắt hay đỉa chui vào mũi làm tổ thì chỉ gây nên triệu chứng ở một bên mũi chứ không phải hai bên như các bệnh khác. Khi thấy một bên mũi chảy máu, ngứa ngáy, đau nhức, chảy máu mũi… đó chính là dấu hiệu cho thấy có thể mũi đã bị đỉa hoặc vắt chui vào.
Đồng thời, mũi người có cấu trúc hang hốc nên có những bệnh nhân khám, nội soi lần đầu khó có thể phát hiện ra vắt (vì chúng còn quá bé) mà phải kiên nhẫn làm nhiều lần. Chỉ số ít trường hợp vắt đã sống lâu trong mũi, hình dạng đã to nên dễ phát hiện. Một số bệnh nhân khám và nội soi lần đầu không thấy vắt, bệnh viện cho về và dặn tự theo dõi triệu chứng, nếu không giảm lại tiếp tục vào bệnh viện để nội soi… có người nội soi đến 3-4 lần mới tìm ra vắt trong mũi.
"Ngoài thiếu máu mãn tính do bị vắt hút, vắt có thể xâm nhập vào đường thở, ký sinh ở đường thở, gây tắc nghẽn đường thở, nên khi thấy tức ngực, khạc ra máu… lúc đó người dân nên đi khám ngay xem có dị vật không" - bác sĩ Võ Quang Minh Hiếu chia sẻ.