Nhiều người bệnh không được điều trị sức khỏe tâm thần trong dịch COVID-19

09-10-2021 18:40 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Hưởng ứng ngày Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10), Hiệp hội Tâm thần thế giới nhấn mạnh sự bất bình đẳng đang gia tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Theo Hiệp hội Tâm thần thế giới, khoảng 75% đến 95% người dân có rối loạn tâm thần ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình không thể tiếp cận được các dịch vụ về sức khỏe tâm thần và việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe tâm thần ở các nước có thu nhập cao cũng chưa được tốt.

Tỉ lệ phân bổ ngân sách cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần còn chưa phù hợp dẫn đến những khoảng trống trong lĩnh vực điều trị về tâm thần. Rất nhiều người bệnh có những vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng họ không nhận được điều trị, tư vấn của các nhân viên y tế trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Hơn thế họ cùng với gia đình và những người chăm sóc còn chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng. Họ không được tiếp cận với những dịch vụ y tế khoa học mà thay vào đó là tìm đến những hủ tục mê tín dị đoan như cúng bái, đi lễ…

Khoảng cách giữa người bệnh và các dịch vụ y tế về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng. Người bệnh ngày càng khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Sức khỏe tâm thần trong một thế giới bất bình đẳng - Ảnh 1.

Người dân cần được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mọi lúc, mọi nơi.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn thiếu và yếu. Thuốc dùng trong các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng là những thuốc thế hệ cũ, nhiều tác dụng phụ. Nhiều nơi ít có sự tiếp cận với những tiến bộ trong cập nhật kiến thức về sức khỏe tâm thần.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người bệnh, có khi cả nhân viên y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn ảnh hưởng đến người bệnh trong các lĩnh vực xã hội. Người bệnh sẽ không tiếp cận được các cơ hội về giáo dục, tìm việc làm hiện tại và tương lai, ảnh hưởng đến gia đình và người thân của họ. Điều này tạo gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội. Vì vậy việc tái hòa nhập cộng đồng, quay trở lại với công việc là một vấn đề quan trọng trong điều trị toàn diện đối với người bệnh tâm thần.

Để đạt được điều này cần xóa bỏ những yếu tố kỳ thị phân biệt đối xử với người bệnh tâm thần. Họ cần phải được tôn trọng như những người bệnh khác, loại bỏ những từ để chỉ người bệnh như điên, rồ... Cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Những người có bệnh lý cơ thể cũng thường có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Họ gặp phải stress, căng thẳng và những vấn đề như trầm cảm, lo âu thường đi kèm. Đặc biệt những người có bệnh lý nặng, mạn tính như ung thư, tim mạch, mắt… Khoảng 2,2 tỉ người trên thế thế giới có vấn đề về thị lực và hầu hết trong số đó có cảm giác lo âu, hoặc trầm cảm. Điều này sẽ làm tình trạng của người bệnh có vấn đề về thị lực tệ hơn do họ có sự cách ly về xã hội và thêm khó khăn về kinh tế...

Đại dịch COVID-19 làm tăng sự bất bình đẳng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chưa một quốc gia nào chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với tình trạng này. Đại dịch này đã và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi, theo nhiều cách khác nhau thông qua sự lây nhiễm virus và hậu quả của việc nhiễm virus này mang lại.

Đó là những mất mát người thân, ảnh hưởng về kinh tế, thất nghiệp, sự cô lập về xã hội, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chương trình "Giọt máu nghĩa tình vì miền Nam ruột thịt" do Báo Sức khỏe và Đời sống đồng tổ chức.


TS.BS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn