Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm 2022, 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.
Đáng chú ý, trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Theo TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, các ngành khoa học cơ bản đang thiếu người học nguyên nhân do kén người học; xã hội chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của các ngành này, đầu ra để có việc làm hấp dẫn cũng không quá nhiều.
Tại Trường ĐH Tây Nguyên, ThS Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh cho biết, mấy năm nay, một số ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khó tuyển sinh nên không đủ chỉ tiêu. Nhiều công ty, doanh nghiệp về trường để tuyển dụng việc làm, với mức lương khởi điểm là 8 - 15 triệu đồng/tháng (tùy từng vị trí việc làm). Có công ty về trường tuyển dụng 400 lao động nhưng nhà trường không đủ sinh viên để đáp ứng chỉ tiêu. "Có thể nói, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản rất "khát" nhân lực, sinh viên ra trường "đắt như tôm tươi". Tiếc là, nhiều gia đình, học sinh không mặn mà với lĩnh vực truyền thống này".
Các trường cần quan tâm tới những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn
Phân tích một số nguyên nhân của việc tuyển sinh kém so với chỉ tiêu đề ra, Bộ GD&ĐT nhận định là do các cơ sở đào tạo đó chưa đủ uy tín, thương hiệu hấp dẫn thí sinh. Ngoài ra, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội. Cũng theo Bộ GD&ĐT, danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Trao đổi về giải pháp đề ra khi mùa tuyển sinh năm 2023 đang tới gần, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, các trường đại học cần phải quan tâm tới những ngành nghề gì thực sự xã hội đang có nhu cầu lớn.
Đồng thời, khảo sát để có số liệu xây dựng chính sách trong việc mở chương trình đào tạo trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như hướng nghiệp giữa các trường đại học, trường THPT để các em hiểu rõ những ngành rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, để những ngành học này duy trì được cần sự quan tâm của cơ quan nhà nước để đầu tư, hỗ trợ cho những ngành như ngành khoa học cơ bản, toán học và những ngành kỹ thuật công nghệ để giảm bớt những khó khăn cho sinh viên khi các em vào trường. Qua đó, chúng ta cần làm nhiều việc để tạo sự cân đối trong các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề thiết yếu cho sự phát triển khoa học công nghệ, nâng cao cạnh tranh của đất nước.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Bộ GD&ĐT đề xuất những giải pháp trong đề án này để có những giải pháp chính sách hỗ trợ, kết nối nhà trường doanh nghiệp, gắn kết đào tạo nghiên cứu và hợp tác quốc tế, tăng sự thu hút của ngành nghề với học sinh. Đồng thời, tăng các điều kiện đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm, thực hành, đặc biệt hỗ trợ đào tạo sau đại học trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đề án này đang được Bộ GD&ĐT hoàn thiện. Trong đề án này, Bộ GD&ĐT cũng đề ra giải pháp để các trường đại học cùng nỗ lực để làm sao thu hút thí sinh vào những ngành này. Đồng thời, cần sự đồng hành, tuyên truyền của truyền thông tác động đến lựa chọn ngành học của học sinh.