Nhiều nét mới tại Lễ hội Gò Đống Đa 2019

07-02-2019 13:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Theo Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa năm Kỷ Hợi sẽ diễn ra vào ngày 9/2 (mùng 5 Tết 2019) với nhiều nét đặc sắc, độc đáo, đa dạng hơn những năm trước.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ vua Quang Trung, được tổ ở 2 địa điểm trong cả nước, đó là làng Mỹ Kiên (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), quê hương Quang Trung – Nguyễn Huệ và là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Địa điểm thứ hai chính là tại Gò Đống Đa (Hà Nội) với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, giải phóng thành Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi.

 

Sáng sớm mồng 5 Tết hàng năm, chiêng trống nổi lên rộn rã quanh Gò Đống Đa và đông đảo người dân đổ về Thủ đô tham gia Lễ hội

 

Sáng sớm mồng 5 Tết, chiêng trống nổi lên rộn rã quanh Gò Đống Đa. Ngày nay còn thêm hệ thống loa đài phát các bài hát, bản nhạc khiến không khí càng thêm long trọng. Từ tờ mờ sáng, người dân đã kéo về Gò Đống Đa đông đúc. Theo quy định thì khi tế thần sẽ dâng 6 tuần rượu và đọc văn tế. Lúc này là lễ rước thần, sau khi ba hồi chín tiếng trống hội vang lên, đoàn rước khởi hành theo trống lệnh, đi từ đình Khương Thượng đến gò Đống Đa, dài khoảng hơn 1 km. Trang phục đoàn rước giống như thời nhà Tây Sơn. Tại chùa Đồng Quang đồng thời làm lễ “cúng cháo thí” cho các cô hồn chiến bại. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Hà Thành với những kẻ xâm lược. Đến nơi, đoàn rước sẽ được chào đón bằng dàn quân nhạc, đội trống ếch và kèn của các cháu thiếu nhi...

Biểu diễn trống hội tại Lễ hội Gò Đống Đa


Ngoài các nghi lễ truyền thống như mọi năm, điểm nhấn của Lễ hội gò Đống Đa 2019 là chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa tại di tích gò Đống Đa đang được TP. Hà Nội đề nghị công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, Lễ hội còn có nhiều nội dung  hấp dẫn như: cuộc thi tìm hiểu, thi viết trong học sinh, sinh viên, đoàn viên về Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức đến thăm quan, học tập truyền thống, dâng hương tại Công viên văn hóa Đống Đa; Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, thi đấu, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, triển lãm về thời kỳ Tây Sơn…

 

Đánh cờ người tại hội Gò Đống Đa


Theo Ban tổ chức, Lễ hội nhằm tập tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hiến và anh hùng của dân tộc; là dịp gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm ôn lại những chiến công hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và bề dày lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn