Hà Nội

Nhiều mô hình can thiệp phòng, chống HIV hiệu quả trong nhóm MSM

03-09-2022 12:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này tăng rõ rệt trong những năm gần đây…

Tại sao nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới gia tăng nhanh?

MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.

Có rất nhiều lý do làm gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm này, điển hình như:

- Hành vi tình dục: Chủ yếu qua đường hậu môn. Nguy cơ lây nhiễm HIV qua giao hợp qua đường hậu môn cao hơn so với giao hợp qua âm đạo. Nguyên nhân là do niêm mạc ở trực tràng dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo. Nếu không áp dụng biện pháp bảo vệ, làm tăng nguy cơ nhiễm một số bệnh lây truyền qua tình dục như nhiễm HIV, chlamydia, lậu, herpes…

- Số lượng bạn tình của MSM: MSM thường có nhiều bạn tình.

photo-1660539247013

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm trình bày về tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM

- Sử dụng chất liên quan đến tình dục: Là việc sử dụng chất ngay trước và trong khi quan hệ tình dục để khởi đầu, duy trì hoặc cải thiện chất lượng của quan hệ tình dục. Sở dĩ ở MSM tỷ lệ sử dụng chất cao là do quan hệ tình dục ở nhóm này có nhiều rào cản và những người MSM muốn sử dụng chất để vượt qua các rào cản và có cảm nhận khác biệt.

- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD): Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở đâu có tỉ lệ STD cao ở đó có sự gia tăng HIV/AIDS. Ngược lại vùng nào can thiệp, phòng chống STD tốt, tỉ lệ nhiễm HIV sẽ rất thấp. Như vậy có thể nói STD vừa là bạn đồng hành, vừa là yếu tố nguy cơ, vừa là yếu tố chỉ điểm của HIV/AIDS. Hay nói cách khác cả STD và HIV/AIDS đều có chung các yếu tố nguy cơ cao là quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ tình dục với nhiều người.

Chia sẻ nhiều mô hình can thiệp hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm MSM

TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP trực tiếp, PrEP lưu động, PrEP trực tiếp...), điều trị HIV, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… nhưng với nhiều lí do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện. Việc sử dụng dịch vụ HIV trong nhóm MSM còn hạn chế nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai can thiệp cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) cho các tỉnh phía Bắc, diễn ra ở Hà Nội mới đây do Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, các tổ chức dựa vào cộng đồng đã chia sẻ kinh nghiệm, sức sáng tạo và các phương pháp tiếp cận cộng đồng hiệu quả với các đối tượng nguy cơ cao…

photo-1660539251079

Nhóm BlueStar Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình tiếp cận cộng đồng.

Đây cũng là cơ hội để các tỉnh học hỏi kinh nghiệm và phát triển mô hình phù hợp với địa phương. Sau hội thảo, các tổ chức dựa vào cộng đồng có thể phát huy vai trò thủ lĩnh, phát huy tính sáng tạo trong công việc, có nhiều ý tưởng mới trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, là cánh tay nối dài của các CDC tỉnh, thành phố trong việc tiếp cận với các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Khai mạc Hội thảo, BS Minesh Shah, Cố vấn Trưởng về Y tế - CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, CDC là một trong những tổ chức hỗ trợ lâu dài nhất cho Việt Nam trong việc ứng phó với dịch HIV/AIDS. Tính đến Quý 2 năm 2022, PEPFAR/CDC đã hỗ trợ xét nghiệm cho hơn 44.000 khách hàng là MSM/LGBTIQ+, 23.000 khách hàng sử dụng PrEP và hỗ trợ cho 85.000 người điều trị ARV trên cả nước.

Các tổ chức dựa vào cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhóm đối tượng đích với các dịch vụ xét nghiệm, PrEP, ART, đa dạng hóa các phương thức tiếp cận để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng trong việc hỗ trợ CDC các tỉnh/ thành phố cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Trong thời gian tới, CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các đối tác và đặc biệt các tổ chức dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo nhóm đối tượng đích MSM cũng như cộng đồng LGBTIQ+ đều có thể tiếp cận các dịch vụ HIV thiết yếu, bất kể nơi nào mà họ đang sinh sống hay làm việc tại Việt Nam.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng



Phương Hà
Ý kiến của bạn