Nhiều màu nhưng vô sắc

20-08-2013 14:16 | Văn hóa – Giải trí

Từ lâu, chợ đêm không chỉ là nơi buôn bán của các tiểu thương mà còn là trung tâm văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh việc lưu giữ và duy trì những thói quen đẹp của người Hà Nội thì văn hóa chợ đêm cũng nhận được nhiều phản hồi tiêu cực

Từ lâu, chợ đêm không chỉ là nơi buôn bán của các tiểu thương mà còn là trung tâm văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh việc lưu giữ và duy trì những thói quen đẹp của người Hà Nội thì văn hóa chợ đêm cũng nhận được nhiều phản hồi tiêu cực. Đặc biệt là khi Tết Trung thu đang đến gần, càng ngày, người ta càng ái ngại cho phố cổ, nét đẹp truyền thống đang dần biến thành thứ "văn hóa" chộp giật phản cảm.

Nếu cần phải đặt tên cho chợ đêm Hà Nội thì có lẽ nghĩ đến “nát óc” cũng không... ra, bởi cái tên phải thể hiện được bản sắc của chợ, hay chỉ đơn giản là gợi cho du khách nhớ về một món ăn, một món đồ lưu niệm mà chỉ đến đó, người ta mới thỏa mãn được niềm đam mê tìm tòi, khám phá.

Nhiều màu nhưng vô sắc 1
 Phố đi bộ đã trở thành một cái chợ chộp giật và nhộn nhạo

Vấn đề đặt một cái tên cho chợ đêm Hà Nội, hẳn là rất khó, nếu cái tên được gọi theo đúng bản sắc của chợ. Thực chất, chợ đêm của ta đang đứng trước nguy cơ thiếu bản sắc trầm trọng, cho dù vào những ngày này, người đi bộ thực sự choáng ngợp bởi những con phố “nhuộm” trong màu đỏ, xanh, vàng, tím,... Đó là một điểm trừ về mặt hình thức, còn nội dung, tuyệt nhiên chưa có một hoạt động văn hóa đặc sắc nào mang dấu ấn Trung thu truyền thống. Nếu quan niệm hàng hóa cũng là một yếu tố thể hiện văn hóa thì rõ ràng, khách đi bộ trên phố cổ khó mà tìm thấy nét văn hóa thuần Việt, không biết từ lúc nào, chợ đêm trên phố cổ đã biến thành thị trường dung nạp những nét văn hóa lai tạp. Các món hàng đều “cộp mác” ngoại nhập ngay cả khi đó là một búp bê thiếu nữ mặc áo dài, hay một chiếc áo in chữ Tôi yêu Hà Nội, Tôi yêu Phở,...

Đành rằng, nhập hàng hóa từ đâu, bày bán như thế nào là “bí quyết” riêng của mỗi tiểu thương, chính vì thế mà phố đi bộ đã trở thành một cái chợ chộp giật và nhộn nhạo. Ngay từ lúc trời còn chưa kịp tắt nắng, các tiểu thương đã “tác nghiệp” xong, những món hàng “nghênh ngang” trên vỉa hè chưa đủ mà chúng còn trườn dài ở lòng đường và thản nhiên ngáng chân người qua lại nhất là trên những dãy phố Hàng Lược, Hàng Mã, Lương Văn Can... Không khí ngột ngạt, hàng quán, xe cộ lấn chiếm khắp vỉa hè, lòng đường và đâu đâu cũng nhớp nháp bởi bong bóng xà phòng từ một loại đồ chơi ngoại nhập bay tứ tung vào quần áo, tóc tai và vào cả mắt, mồm du khách. Ít ai nghĩ đó lại là hình ảnh của một khu phố cổ của Hà thành đang rục rịch đón Trung thu.

Nếu là một du khách đến từ phương xa, khi đặt chân đến phố cổ, hẳn ai cũng háo hức tìm được những món quà nhỏ xinh nhưng khắc họa rõ nét chân dung Hà Nội, ví như mô hình những chiếc xích lô được làm bằng gỗ hoặc sắt uốn, búp bê thiếu nữ mặc áo dài, hay chú Tễu đang thổi sáo... Nhưng tiếc là, những món đồ lưu niệm này đang thuộc diện “hiếm có khó tìm” tại chợ đêm Hà Nội bởi sự "lên ngôi" của vô vàn những món đồ chơi ngoại nhập không nhãn mác.

Nói đến chợ đêm cũng cần phải nhắc đến những món ăn “tả pí lù” tràn lan vỉa hè được nhập từ tứ xứ cũng đang cùng “chung vui” trên phố cổ. Thế mới có chuyện không ít du khách đến chợ đêm mà cứ ngỡ bị lạc vào một khu “China Town” nào đó. Các gian hàng cũng không được quy hoạch theo hàng lối mà cứ mạnh ai người nấy bành chướng một cách phản thẩm mỹ và cả phản vệ sinh như kiểu hàng bên này bày bán thực phẩm thì ngay bên cạnh lại là gian hàng bán hóa mỹ phẩm và chất tẩy rửa, dung dịch vệ sinh toa lét... Vào thời điểm này, nếu muốn đến chợ đêm Hà Nội để được thưởng thức một bán phở ngon lành mang hương vị Hà thành thì quả là một ý tưởng không hề sáng suốt bởi bạn sẽ chẳng thể có cơ hội đứng yên một chỗ quá... 20 giây. Buôn bán với phong cách “chộp giật” và chạy đua theo số lượng nên nhiều chủ gian hàng chỉ muốn “đuổi khách đi” cho nhanh. Có người ví von chợ đêm Hà Nội như một bức tranh nhiều màu nhưng vô sắc kể cũng không oan, vấn đề ở chỗ nhận thức của mỗi cá nhân còn quá hạn chế, nói gì đến sự nhất quán của cả một tập thể. Tiểu thương thì chộp giật, người mua thì nhẹ dạ nên chợ đêm trên phố cổ đã đánh mất bản sắc của chính mình.  

Bài, ảnh: Hoài Phương


Ý kiến của bạn