Gần 1 tháng qua, nhiều lợn thịt của các hộ dân làng Vân và làng Mun (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được cấp theo Dự án 2 "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang bị chết. Nhiều hộ được cấp 5, 6 con lợn nay đã “trắng chuồng nuôi”.
Nằm trong diện hộ cận nghèo, đầu tháng 10/2024, gia đình anh Rơ Châm Kưm và chị Ksor Hyin (làng Vân, thị trấn Ia Ly) được UBND thị trấn cấp cho 6 con lợn cùng 8 bao cám để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đồng thời, gia đình anh được cán bộ xã tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn đúng quy trình. Nhận giống trong niềm vui khôn xiết, gia đình anh vệ sinh chuồng tiến hành thả nuôi.
Thế nhưng chỉ sau 1 tuần nhận lợn, 1 trong số 6 con được cấp phát bệnh nặng, toàn thân đỏ, đi phân lỏng và bỏ ăn. Lập tức, gia đình anh báo sự việc đến trưởng thôn để có hướng xử lý. Một ngày sau, con lợn bị bệnh và chết khi chưa biết được nguyên nhân. “1 con đã chết, hiện có 1 con đang có dấu hiệu bỏ ăn, 4 con khác thì vẫn ăn bình thường. Mong chính quyền, cơ quan chuyên môn có cách nào cứu đàn lợn”, chị Hyin lo lắng.
Được cấp 6 con lợn thịt, hộ gia đình cận nghèo Rơ Châm Kông vui mừng khi có được “cần câu cơm” để mong thoát được cái nghèo. Thế nhưng, khi niềm vui chưa kịp nhen nhóm thì đã vụt tắt khi 6 con lợn đã bị chết. Ngoài Rơ Châm Kông, tại làng Vân, còn có hộ Rơ Châm Yới thuộc hộ cận nghèo, được cấp 6 con lợn, nhưng toàn bộ số lợn đó cũng đã chết với tình trạng bệnh như các hộ nêu trên. Hiện chuồng nuôi đã được vệ sinh, rắc vôi bột để sát khuẩn, khử trùng.
Cũng thiệt hại nặng nề, làng Mun khi có 8 hộ nghèo, cận nghèo được cấp 40 con thì nay chỉ còn 13 con còn sống. Tuy nhiên, số lợn còn sống này, nhiều con đang xuất hiện những triệu chứng bệnh, nguy cơ chết rất cao.
Đã hơn 1 tháng trôi qua, nguồn bệnh khiến lợn chết vẫn chưa rõ, các trưởng thôn làng Mun và làng Vân rất lo lắng. Ông Rơ Châm Túy, trưởng thôn làng Mun cho biết: Ngày nào lợn bị chết là ông đều thông tin lên Uỷ ban nhân dân thị trấn Ia Ly để kịp thời xử lý. Lâu nay, người dân trong làng thường nuôi theo phương thức thả rông.
Đây là lần đầu tiên các hộ nuôi theo hướng thương phẩm nhốt chuồng nên cũng không có kinh nghiệm xử lý. Uỷ ban nhân dân thị trấn với hệ thống chính trị thôn làng cũng thường xuyên theo dõi, nhắc nhở bà con thực hiện nuôi theo đúng phương pháp nuôi mà cơ sở cấp giống đã chỉ dẫn nhưng vẫn không thể duy trì sự sống cho đàn lợn.
Làng Vân và Mun là hai làng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 100% là người dân tộc Jrai. Nhằm giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, giải quyết sinh kế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, Uỷ ban nhân dân thị trấn Ia Ly đã triển khai dự án 2, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với kinh phí 300 triệu đồng để cấp con giống chăn nuôi cho 2 làng. Thế nhưng, việc hàng loạt lợn nuôi thịt vừa cấp đã chết khiến dự án đang đi ngược với mục đích đặt ra.
Liên quan đến việc triển khai dự án 2, ông Rơ Châm Vân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị trấn Ia Ly cho biết: Nguyên nhân khiến đàn lợn chết do dịch là vì một số hộ dân ở làng Vân mua lợn dịch về làm thịt ăn ở nhà mồ, rồi đưa đồ thừa về nhà cho lợn ăn khiến đàn lợn của dự án bị lây bệnh và chết.
Trước sự việc lợn dự án cấp cho người nghèo, cận nghèo bị chết, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chư Păh cho biết: "Hiện huyện đã chỉ đạo thị trấn Ia Ly kiểm tra, báo cáo cụ thể sự việc trên. Đây là một dự án lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện cuộc sống cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Vì thế, cần làm rõ và có hướng xử lý kịp thời để các dự án thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn được hiệu quả hơn".