Từ ngày 1/3/2017, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm việc khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân của thành phố tại 5 quận, huyện: Long Biên, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm và Sóc Sơn. Đây được xem là tín hiệu vui với nhiều người dân vì có lợi cho người dân, giảm phiền hà trong khám chữa bệnh và giúp cơ quan y tế quản lý chặt hơn sức khỏe cộng đồng.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp thành phố đến các quận, huyện, dự kiến từ ngày 1/3 và đến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Thành phố sẽ lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả quận, huyện. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Thành phố cũng sẽ lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế, triển khai phần mềm nối mạng chung ở các cơ sở y tế. Người dân khám bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng sẽ được cập nhật vào hệ thống. Mỗi người có một mã số riêng, bác sĩ chỉ mở được các thông tin cá nhân nếu người bệnh đồng ý. Đối với cán bộ, công nhân viên và học sinh, sẽ lấy dữ liệu tại cơ quan, trường học để lập hồ sơ.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện TP Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ là 3 địa phương đầu tiên thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Trước đó, Phú Thọ đã thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại huyện Yên Lập, khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người, đạt 67%. Dự kiến đến tháng 6/2017, Phú Thọ sẽ khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 90% dân số trên địa bàn. Tương tự, Bắc Ninh thí điểm triển khai tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến, trong tháng 5-6 tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn tỉnh.
Với mô hình này, trạm y tế xã sẽ thực hiện việc tầm soát sức khỏe cho người dân trong diện quản lý sức khỏe theo hồ sơ sức khỏe cá nhân. Người dân được khám sức khỏe tổng thể, tất cả dữ liệu nhập vào hệ thống trên mạng tạo một hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Mục tiêu nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn, chuyển tuyến. Nhờ hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số CMND, mã vạch... Các cơ sở khám chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh, giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.
Với hồ sơ sức khỏe cá nhân, hầu hết các bệnh thông thường sẽ được phát hiện sớm và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực đối với ngành y tế. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh thông suốt các tuyến, giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên.