Nếu như ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, TS. Trần Ngọc Lương chỉ dám lựa chọn bệnh nhân bị bướu cổ một thì, nhân nhỏ khoảng 2-3cm thì tới nay, những khối u kể cả lành tính và ác tính khoảng 8-9cm, thể tích 120mm3 cũng đã được phẫu thuật nội soi một cách an toàn và hiệu quả.
Xanh vỏ - đỏ lòng
“Cũ kỹ và tồi tàn” - đó là suy nghĩ của chúng tôi dành cho khu làm việc của Khoa ngoại - Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Trái với cảm nhận của chúng tôi, với ánh mắt tự tin và nụ cười đôn hậu, TS. Trần Ngọc Lương - PGĐ phụ trách Khoa ngoại của Bệnh viện cho biết: “Một nữ bác sĩ người Indonesia vừa đến cổng bệnh viện đã thốt lên: Như thế này mà cũng gọi là bệnh viện à? Nhưng BS này đã đến đây 3 lần và giới thiệu thêm các BS khác đến để học đấy”. Rồi ông tiếp: “Chỉ có nhà cửa thì cũ kỹ thôi, chứ ở đây chúng tôi có đầy đủ các thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế cho một phòng mổ, không chỉ đáp ứng nhu cầu phẫu thuật cho bệnh nhân mà còn đủ dùng cho bạn bè quốc tế đến học hỏi”. Tính đến nay, đã có khoảng 130 bác sĩ nước ngoài đến Bệnh viện Nội tiết TW để học. Lịch học cho các bác sĩ nước ngoài hiện nay đã xếp kín đến năm 2013.
TS. Trần Ngọc Lương (người mổ chính) cùng các bác sĩ người Singapore. |
Hành trình đến với thành công
Chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi kỹ thuật nội soi với nhiều ưu việt này lại được chính TS. Trần Ngọc Lương dày công nghiên cứu và thực hiện chứ không phải du nhập từ nước ngoài.
Xuất thân là bác sĩ ngoại bụng, năm 1996-1997, BS. Lương sang Pháp học bác sĩ nội trú theo chương trình Pháp - Việt. Ở đây, ông học kỹ thuật nội soi ổ bụng của GS. Michel Vankemei - giáo sư đầu ngành của thế giới. Trong thời gian đó, ông cũng được GS. Charles Proye - nguyên Chủ tịch Hội Phẫu thuật nội tiết thế giới chỉ dẫn về phẫu thuật tuyến giáp.
Tới năm 2001, TS. Lương được điều động từ BV Bạch Mai về BV Nội tiết với nhiệm vụ Trưởng khoa Ngoại. Từ kỹ thuật bóc tách khối u tuyến giáp học được ở Pháp, ông đã cải tiến để làm giảm thời gian phẫu thuật, giảm thiểu các tổ chức xung quanh bị xâm lấn. Đây đã là một bước tiến đáng kể cho ngành phẫu thuật tuyến giáp ở Việt Nam. Nhưng TS. Lương vẫn đau đáu một câu hỏi: Tại sao ở ổ bụng, người ta lại mổ được nội soi không để lại vết sẹo, mà ở bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp lại bị một vết sẹo dài có khi tới 18cm ở cổ? Rồi ông được biết ở Italia, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện kỹ thuật nội soi tuyến giáp, nhưng ông không biết làm thế nào để học được kỹ thuật này, bởi muốn ra nước ngoài học tập không phải lúc nào cũng được.
Chính từ những khó khăn mà TS. Trần Ngọc Lương phải tự mình khám phá. Qua mỗi ca phẫu thuật mở, TS. Lương lại suy nghĩ, tìm hiểu và tự mình tìm ra cách mổ nội soi với kỹ thuật bóc tách đơn giản!
Nếu với kỹ thuật nội soi của các nước khác, khi tạo đường hầm thì bác sĩ phải dùng các phương tiện kéo cơ để bộc lộ tuyến giáp. Với kỹ thuật này thì khoang phẫu thuật chật hẹp, khó làm với các bướu lớn và mất nhiều thời gian (60 phút/ca phẫu thuật). Ngoài ra, với vết rạch nhỏ ở cổ thì nguy cơ để lại sẹo vẫn còn, nhất là đối với bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi. Còn TS. Lương đã tìm ra cách tách vạt da ở đường bên, tách cơ theo giải phẫu bệnh để bộc lộ tuyến giáp; các vết rạch đi từ nách và đầu vú. Kỹ thuật này cũng giúp thời gian phẫu thuật ngắn, chỉ mất khoảng 20-30 phút/ca. Phương pháp nội soi mà TS. Lương nghiên cứu và ứng dụng còn giúp cho kỹ thuật viên không chỉ dễ dàng cắt bỏ khối u mà còn nhìn rõ được dây thần kinh quặt ngược (là dây thần kinh ảnh hưởng đến giọng nói) và tuyến cận giáp (tuyến điều chỉnh canxi cho cơ thể) nên tránh được xâm hại đến các cơ quan này.
TS. Lương cho biết: “Mổ nội soi tuyến giáp là phẫu thuật có kỹ thuật khó do tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, không nằm ở một khoang sẵn như ổ bụng và lồng ngực. Do đó, để phẫu thuật nội soi thì phải tạo ra khoang để mổ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm mổ bướu cổ, các bác sĩ Viện Nội tiết TW đã sáng tạo cách tạo khoang bằng cách sử dụng bơm khí C02 với đường vào từ nách”.
Mang lại niềm vui cho bệnh nhân
Mối lo lắng lớn nhất với bệnh nhân bị bướu cổ là sau mổ bị ảnh hưởng đến giọng nói. Do khối u tuyến giáp ở vị trí ngay sát dây thanh quản nên khi phẫu thuật, cơ quan này rất dễ bị tổn thương. Nhưng với phương pháp mổ nội soi của TS. Lương, mối lo lắng trên đã được khắc phục. TS. Lương cho biết: “Phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh và đặc biệt đảm bảo thẩm mỹ sau phẫu thuật không để lại sẹo do đường mổ được dẫn vào từ nách. Đường rạch nhỏ ở nách sẽ mờ dần trong thời gian khoảng một tháng”.
Ngoài ra, việc cầm máu còn được kiểm soát tốt, các bác sĩ kiểm soát được tuyến cận giáp cùng dây thần kinh thanh quản trong suốt quá trình phẫu thuật nên sau mổ, khả năng nói của bệnh nhân không hề bị ảnh hưởng. Bệnh nhân có thể xuất viện sớm, thời gian bình phục nhanh, trở lại sinh hoạt bình thường chỉ sau vài ngày.
Thu Hà