Ngày 30/9, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam và lãnh đạo nhiều Cục, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã làm việc với Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế (viết tắt là IVAC tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) về công tác nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine.
Đánh giá về vai trò của vaccine, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Vaccine là công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng, được sử dụng rộng rãi. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác tiêm chủng như: thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay".
Thứ trưởng cũng cho biết, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trước kia là bệnh dịch lưu hành, hàng năm thường gây ra những dịch bệnh lớn thì hiện nay đã được khống chế… Việc nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các loại vaccine trong nước để phục vụ nhu cầu của người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo. Đến nay, chương trình nghiên cứu sản xuất vaccine cơ bản đảm bảo cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Báo cáo việc nghiên cứu, sản xuất vaccine của đơn vị, TS. Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế cho biết, IVAC là đơn vị trọng điểm của cả nước về sản xuất và cung ứng 4 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể là vaccine phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT); vaccine phòng bệnh lao (BCG); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td).
Theo kế hoạch, trong năm 2023, IVAC sẽ cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 1,55 triệu liều BCG; 2 triệu liều DPT; 1,8 triệu liều TT; 1,77 triệu liều Td.
Hiện tại, IVAC đang áp dụng thành công nhiều công nghệ hiện đại như: Công nghệ sản xuất vaccine trên trứng gà có phôi; công nghệ phối trộn vaccine đa giá hấp phụ tá chất; công nghệ gây miễn dịch và khai thác huyết thanh từ máu ngựa; công nghệ tách lọc và tinh chế…
Ngoài các loại vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng, TS. Dương Hữu Thái cũng cho biết, IVAC đã sản xuất thành công vaccine cúm mùa và đang xin cấp đăng ký sản xuất vaccine cúm đại dịch.
Trong định hướng phát triển của mình, IVAC cũng sẽ nghiên cứu, phát triển thêm vaccine ho gà vô bào và vaccine cúm 4 chủng. Đồng thời áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất cho quá trình tinh sạch kháng huyết thanh.
Bên cạnh các thành quả, TS. Dương Hữu Thái cũng nêu lên nhiều khó khăn, thách thức IVAC đang gặp phải như thiếu nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất và con người; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao…
IVAC cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vaccine
Từ báo cáo của IVAC và ý kiến của một số chuyên gia trong buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương các thành quả của IVAC. Dù còn một số khó khăn nhưng IVAC đã nỗ lực duy trì và tăng cường nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị để sản xuất ra những loại vaccine và sinh phẩm y tế có chất lượng và tăng sản lượng, đảm bảo nhu cầu sử dụng của nhân dân trong cả nước. Đảm bảo thực hiện cung cấp vaccine đúng tiến độ và ổn định chất lượng theo đặt hàng của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo IVAC cần tập trung làm tốt một số công việc như: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế tại đơn vị. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… Tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin với chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ ngoài nước có uy tín nhằm giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực nghiên cứu, nhân lực kỹ thuật đủ năng lực ứng dụng, làm chủ công nghệ về sản xuất vaccine…