Nhiều lo ngại quanh đề xuất đánh thuế, siết tín dụng người mua nhà thứ hai

08-10-2024 18:31 | Thị trường

SKĐS - Những ngày qua, đề xuất đánh thuế hay siết tín dụng với người mua nhà thứ hai nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc áp dụng quy định này ở thời điểm hiện tại rất khó khả thi.

Trong khi Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị thắt chặt chính sách tín dụng để chặn bong bóng giá bất động sản, thì Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cũng thể hiện quan điểm với chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Theo VARS, để giảm số lượng người vay vốn với mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy quá cao, các tổ chức tín dụng cần điều chỉnh giảm hạn mức cho vay thông qua việc điều chỉnh tỉ lệ cho vay trên giá trị tài sản. Đồng thời, yêu cầu tỉ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn, hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà thứ hai trở lên.

Nhiều lo ngại quanh đề xuất đánh thuế, siết tín dụng người mua nhà thứ hai- Ảnh 1.

Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế, siết tín dụng bất động sản thứ hai ở thời điểm hiện tại rất khó khả thi. Ảnh: Minh Ngọc

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS cho rằng, việc áp thuế hay thắt chặt tín dụng với bất động sản, chỉ xem xét sử dụng khi có những hành vi gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến thị trường. "Quan điểm của tôi về vấn đề này rất rõ ràng. Thuế là công cụ để điều tiết hành vi, không làm xấu thị trường, không phải người dân cứ đi mua bất động sản thứ hai là bị siết bởi những công cụ này", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, cần hiểu đúng bản chất việc đánh thuế hay siết tín dụng. Có nghĩa người dân mua nhà thứ hai, thứ ba hoặc nhiều hơn nhưng sử dụng đúng mục đích, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội thì là hành vi tích cực, nên được khuyến khích, tạo điều kiện vì đây là quyền lợi chính đáng.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, chuyên gia tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc siết tín dụng đối với nhà đất thứ hai rất khó khả thi.

Dưới góc độ tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi khách hàng có đủ điều kiện, đảm bảo được khoản nợ vay, mua với mục đích rõ ràng…, không có lý do gì để ngân hàng đối xử với họ khác với những người vay mua nhà thứ nhất.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, điều cần thiết nhất lúc này là tăng nguồn cung bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở cho giới bình dân (Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà thương mại giá rẻ...), chứ không nên thêm biện pháp dùng đến công cụ thuế, tín dụng để điều tiết.

"Đánh thuế tài sản không thể hạ giá bất động sản được. Bởi lẽ, giờ đang là thời điểm giá bất động sản đã tăng cao, nguồn cung lại ít so với nhu cầu. Nếu nguồn cung ít lại đánh thuế tài sản nữa thì người có nhiều bất động sản khi bán ra họ sẽ tính vào giá bán. Cuối cùng người mua nhà phải gánh", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay. 

Đồng quan điểm trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nguyên nhân gây ra những hệ lụy của thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu là do thiếu cung, những vướng mắc về pháp lý, thể chế chưa được tháo gỡ. 

Do đó, để quản lý thị trường, chúng ta phải đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều chính sách, nghiên cứu chỗ nào tăng "nóng" phải can thiệp. Đánh thuế không phải là biện pháp cốt lõi để giải quyết những vướng mắc của hiện tại. Nếu chờ đợi áp dụng chính sách đánh thuế sẽ gây nên những hệ lụy cho thị trường.

"Đề xuất đánh thuế căn nhà thứ 2 hiện phù hợp để nghiên cứu, còn chưa thể áp dụng ngay. Để áp dụng chính sách thuế, chúng ta phải rà soát đánh giá tổng thể toàn bộ thị trường một cách cẩn thận. Đặc biệt, đề xuất đánh thuế ở mức nào và thời điểm nào là phù hợp. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại việc đánh thuế là chưa khả thi vì còn liên quan quan đến hệ thống thông tin dữ liệu bất động sản vẫn chưa minh bạch và đồng bộ", TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng cơ chế điều tiết thông qua công cụ thuế cần linh hoạt, hợp lý, tính toán đầy đủ các yếu tố của thị trường Việt Nam chứ không thể áp dụng cứng nhắc

Cụ thể, luật sư Quách Thành Lực nhận mạnh, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai một cách đồng bộ là yêu cầu tiên quyết để có thể áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai. 

Để có được dữ liệu này đầy đủ, các sở, ban, ngành phải thực hiện kiểm tra số lượng nhà đất được sở hữu bởi mỗi cá nhân. Ngoài ra, cần kiểm soát được giao dịch bất động sản qua ngân hàng, sàn giao dịch, thậm chí tiền mặt để có thể nắm bắt chính xác dữ liệu. Điều này sẽ cần thời gian thực hiện chứ không thể làm trong... một sớm một chiều.

Về tác động tới thị trường, luật sư Quách Thành Lực nhận định, việc đánh thuế, siết tín dụng bất động sản thứ hai không thể thực hiện ngay, bởi sẽ làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư và thị trường. 

"Nếu áp dụng đánh thuế ngay thời điểm hiện tại không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao, người dân mất cơ hội tiếp cận nhà ở. Ngoài ra là khả năng phản ứng ngược khi người dân rơi vào vòng xoáy thắt chặt chi tiêu, gây suy thoái kinh tế", luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Xem thêm video được quan tâm:

Ô tô bị cây đè trong siêu bão, chủ phương tiện có được công ty bảo hiểm đền bù?


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn