Nhiều lĩnh vực nổi bật trong công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021

24-03-2021 11:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 24/3, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước trước Quốc hội.

Trình bày Báo cáo vắn tắt một số hoạt động và chương trình công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhiệm kỳ qua, có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch nước. Tuy nhiên, Chủ tịch nước đã cố gắng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và nhiệm vụ chính trị được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công.

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Từ đầu nhiệm kỳ, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được thực hiện bài bản, đi vào chiều sâu, xử lý sai phạm trên tinh thần không có vùng cấm, tạo sự răn đe cũng như củng cố niềm tin của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo công tác của Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021

Về công tác xây dựng pháp luật, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp những ý kiến xác đáng với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua.

Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Đây là lần đầu tiên mỗi năm Chính phủ họp tổng kết với các bộ ngành, địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều tham dự và có ý kiến phát biểu chỉ đạo.

Trong công tác Điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền. Chủ tịch nước đã trình Quốc hội xem xét quyết định phế chuẩn gia nhập một số điều ước quốc tế…, có những kiến nghị của Chủ tịch nước đưa ra Quốc hội đã được thông qua với tỷ lệ 100% đại biểu tán thành.

Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Đôn đốc các bộ ngành địa phương thực hiện, tổng kết Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020…

Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng, rất công phu vì là việc rất nhạy cảm, phải làm rất chặt chẽ.

Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Đây là vấn đề thường có ý kiến khác nhau, nhất là các cơ quan tư pháp.

Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh, là thống lĩnh lực lượng vũ trang  nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Chủ tịch nước đã chủ trì các phiên họp của Bộ Chính trị, Đảng ủy quân sự Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Trong những năm qua chúng ta đã xây dựng một loạt chiến lược về quốc phòng, an ninh rất quan trọng như chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ vững chắc và toàn vẹn lãnh thổ… không để bất ngờ, bị động trong bất cứ tình hình nào về quốc phòng-an ninh ở tất cả các hướng.


Anh Tuấn
Ý kiến của bạn