Cuộc chiến chống dịch đầy cam go, khốc liệt và nhiều thử thách nhưng nó cũng để lại cho chúng tôi những bài học, niềm tự hào, biết ơn và sự lạc quan.
Ký ức không quên
Đã hơn 2 năm trôi qua, kể từ ngày đầu tiên Việt Nam xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, thời điểm hiện tại, tình hình dịch trong nước đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân và mọi hoạt động xã hội dần trở lại bình thường. Có một điều không thể phủ nhận đó là những gì "giặc Cô Vít" để lại có lẽ sẽ mãi là câu chuyện, ký ức một thời không bao giờ quên trong lịch sử của nhân loại.
Khoảng tháng 6/2021, tình hình dịch cả nước nói chung, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam nói riêng diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Sẽ chẳng có ai đủ sức để tưởng tượng rằng một thành phố sôi động bậc nhất cả nước lại có ngày rơi vào tình trạng tê liệt, khắp nơi đều là dây giăng, biển cấm, đường phố vắng lặng đến lạ thường, có chăng chỉ còn âm thanh tiếng còi hú từ những chiếc xe cấp cứu hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm...
Dù đã một năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc nhận quyết định vào tâm dịch TP.HCM để công tác. Thời điểm đó, dịch tại các tỉnh phía Nam bắt đầu bùng phát mạnh, số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt, số bệnh nhân tử vong cũng lên đến vài nghìn ca/ngày. Chính tôi khi đặt chân đến mảnh đất này cũng phải ngỡ ngàng, có một cảm giác "ngợp" ở trong lòng vì tình hình thực tế khác quá xa so với gì tôi tưởng tượng. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý và từng có kinh nghiệm tác nghiệp ở tâm dịch một vài lần trước đó nhưng cảm giác lo lắng, sợ hãi vẫn xuất hiện vì mọi nguy hiểm, rủi ro có thể xảy đến với mình bất cứ khi nào.
Tác nghiệp và nằm vùng trong tâm dịch là nhiệm vụ không đơn giản, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng nhưng đối với những phóng viên trẻ thì đây vừa là thách thức vừa là cơ hội hiếm có để rèn luyện ý chí, kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi thêm kinh nghiệm về cả công việc lẫn cuộc sống. Đối với bản thân tôi, khi nhận được phân công vào tâm dịch để đưa tin, bài cảm xúc phấn khởi và lo lắng đan xen. Lo lắng vì đây là vùng đất hoàn toàn mới với tôi, mình không nắm rõ địa bàn cũng không quen biết ai, nhưng quan trọng nhất vẫn là sợ "dính COVID-19". Tuy nhiên, cũng có lúc tâm trạng phấn khởi, háo hức bởi chuyến công tác này sẽ giúp tôi có thêm kỹ năng tác nghiệp, kinh nghiệm và cả sự trưởng thành trong mọi mặt.
Nhớ lại thời điểm dịch bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, số lượng người được tiêm vaccine rất thấp, có lẽ vì vậy mà dịch bùng phát nhanh và mạnh hơn. Không giống với những đợt dịch trước ở Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, số ca nhiễm lên cao nhất chỉ khoảng vài nghìn người tính cả đợt dịch và bệnh nhân tử vong rất thấp. Nhưng tới TP.HCM thì mọi chuyện hoàn toàn khác, mỗi ngày khi nhận được thông báo tổng số ca mắc, tử vong khiến ai cũng hoảng...
Những lần suýt thành F0
Có lẽ đối với bất kì ai khi ở trong tâm dịch thì điều sợ hãi nhất chính là việc đối diện nguy cơ mình sẽ thành F0 và tôi cũng vậy. Mặc dù luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu khi tác nghiệp nhưng rủi ro là điều khó tránh khỏi. Khi đến TP.HCM vì số lượng F0 quá cao, thậm chí không đủ chỗ để cách ly nên gần như đâu đâu cũng sẽ là F1, F2 và việc "chẳng may" va phải ca bệnh cũng là bình thường. Gần như tất cả mọi người đều phải thích nghi và quen với điều đó.
Trong gần 2 tháng công tác tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam những lần tôi được nhận "hung tin" mình có nguy cơ cao là F0 không thể đếm hết. Đây cũng chính là một trong những câu chuyện khiến tôi không bao giờ quên và đó cũng là kỷ niệm khắc cốt, ghi tâm. Khi đó số người nhiễm bệnh ngoài cộng đồng không thể kiểm soát nên nguy cơ mình dương tính là rất cao, nếu cứ suy nghĩ "mình lây từ nguồn nào?" thì có lẽ sẽ không thể lần thấy dấu vết và cũng chẳng còn tâm trí và thời gian để làm việc. Hơn nữa, với đặc thù công việc phải tiếp xúc nhiều người nên không cẩn thận nhiễm COVID-19 sẽ làm lây lan sang cả người khác, gây ảnh hưởng đến xã hội, có thể bản thân bị bệnh nhưng nếu vì mình mà người khác khổ theo thì sẽ rất khổ tâm.
Tôi vẫn nhớ như in, ngày hôm đó được thông báo mình nằm trong danh sách buộc phải tự cách ly vì một thành viên trong đoàn công tác dương tính với SARS-CoV-2. Tôi lục lại trí nhớ về quá trình di chuyển thì phát hiện mình chính là người tiếp xúc gần với F0 vừa được thông báo. Ngay lập tức cả đoàn được lấy mẫu xét nghiệm, còn tôi được tách riêng bởi nguy cơ nhiễm bệnh cao. Cả đêm đó tôi không ngủ được vì lo lắng, thấp thỏm đợi kết quả, cảm giác đêm đó dài hơn và rất nhiều suy nghĩ vẩn vơ nảy lên trong đầu: "Nếu mình bị COVID-19 thì sức khỏe có ảnh hưởng không? Công việc đang dang dở phải xử lý thế nào? Nếu mọi người biết mình nhiễm bệnh có xa lánh mình không? Giữa lúc tâm dịch đang nước sôi lửa bỏng thế này nhỡ có chuyện gì xấu xảy đến mình phải làm sao?...". Nhưng có lẽ may mắn vẫn mỉm cười với tôi, sáng sớm hôm sau mọi người thông báo đến nhận kết quả, tim tôi đập nhanh hơn và khi nhận giấy báo "âm tính" tôi vui mừng như "trúng thưởng", tất cả năng lượng và tinh thần đều được hồi lại...
Một kỷ niệm đáng nhớ khác trong chuỗi những lần "suýt" trở thành F0 mà đến giờ tôi vẫn còn đầy cảm xúc khi nhắc lại đó là lần đầu tiên tôi được "tham quan" điểm nóng nhất của tâm dịch, đó chính là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Đối với phóng viên, việc lao vào vòng sâu và nguy hiểm nhất ở tâm dịch cũng là một việc rất can đảm và gan dạ. Để có được những hình ảnh, thước phim chân thực, bài viết "đắt giá" thì tất cả chúng tôi đều gạt những khó khăn qua một bên. Tôi vẫn nhớ trước ngày mình quyết định vào khu điều trị bệnh nhân nặng của Bệnh viện Hùng Vương (128 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM), đây là một trong những bệnh viện phụ sản lớn nhất TP.HCM và cũng có số lượng bệnh nhân mang thai đang điều trị COVID-19 đứng "top" đầu thành phố. Buổi chiều hôm đó, sau khi chia sẻ những mong muốn và nguyện vọng của mình, Giám đốc Bệnh viện đã quyết định để tôi được tác nghiệp tại khu điều trị sản phụ nhiễm COVID-19 nặng. Tôi được dẫn đi tham quan một vòng Bệnh viện để nắm được tình hình và lên ý tưởng cho các tuyến bài chuẩn bị triển khai. Sáng sớm hôm sau tôi có mặt để cùng các bác sĩ, nhân viên y tế đi sâu vào khu điều trị. Sau khi được hướng dẫn mặc đồ bảo hộ, bọc máy ảnh, điện thoại, đồ dùng tác nghiệp tôi được đưa đến từng ngóc ngách của điểm "nóng" nhất bệnh viện. Tất cả các quy trình ra vào khu điều trị đều rất nghiêm ngặt và luôn có một nhân viên y tế đi theo để hướng dẫn tôi trong mọi hoạt động khi vào "điểm đỏ". Chỉ cần sai một quy trình, đơn giản là mặc và cởi đồ bảo hộ không đúng cách thì có thể thành dương tính bất cứ khi nào.
Khi vào được sâu bên trong, những gì xuất hiện trước mắt tôi vượt xa phạm vi tưởng tượng. Hình ảnh bệnh nhân bất tỉnh với chằng chịt máy móc, các y bác sĩ chạy ngược, chạy xuôi, người cấp cứu, người bóp bóng oxy, người ấn ngực, người tất tả gọi điện thoại, người chuẩn bị thuốc, cũng có những người vì kiệt sức mà không đứng vững... tất cả làm tôi thấy "choáng".
Sau một ngày tác nghiệp trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, cơ thể tôi mệt nhoài, người đầm đìa mồ hôi, một phần vì không quen với bộ đồ bảo hộ kín mít, phần còn lại do ngửi mùi thuốc khử trùng trong thời gian dài. Trở về nghỉ ngơi, tôi thấy người xuất hiện một vài biểu hiện đau họng, sốt và nhức đầu... khi đó cảm giác lo lắng, nghi ngờ lại xuất hiện "hay mình bị COVID-19 rồi?". Trước đó tôi đã được cảnh báo rằng, nguy cơ lây bệnh từ khu điều trị bệnh nhân nặng là rất cao bởi nồng độ virus dày đặc nên sau khi về phải tự theo dõi sức khỏe và cách ly riêng. Có lẽ do áp lực công việc, cộng thêm thời tiết miền Nam mưa nắng thất thường dẫn tới bị cảm. Thời gian đợi kết quả xét nghiệm lần này khiến tôi sợ hãi nhiều hơn, ăn không ngon, ngủ không yên, ngay cả trong giấc mơ cũng thấy mình bị mắc COVID-19 phải điều trị trong bệnh viện, hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong đầu. Nhưng may mắn một lần nữa lại đến với tôi, sau 3 ngày kết quả xét nghiệm của tôi trả về "âm tính", đúng là được một phen "hú vía", cũng chính vì vậy mà ở những lần tác nghiệp sau tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, làm việc cũng chuyên nghiệp, yên tâm hơn.
Dù rất nhiều lần được "Cô Vy" ghé thăm "hụt" nhưng trong suốt chuyến công tác, sức khỏe của tôi vẫn ổn định và mọi việc đều thuận lợi, suôn sẻ. Khi trở về Hà Nội, tôi thở phào vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà cơ quan giao phó và vượt qua đại dịch một cách an toàn, dù có sút mấy cân nhưng đây là chuyến đi với tôi được nhiều hơn mất...
"Dấn thân", "xông pha", "lao vào tâm dịch" hay "hy sinh" là những từ mà người làm báo như chúng tôi thường hay sử dụng khi tác nghiệp tại những môi trường khó khăn, hiểm nguy. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đương đầu với thử thách, để bản thân ngày càng trưởng thành hơn và tạo ra những giá trị mới cho xã hội.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hành trình dài hơn 10 nghìn km của các chiến sỹ Mũ nồi xanh Việt Nam