Nhiều kỹ thuật mới chữa mù lòa được giới thiệu tại Hội nghị Nhãn khoa 2017

24-11-2017 20:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trong 3 ngày từ 24 đến 26 /11/2017 Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam năm 2017.

Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam được tổ chức thường niên nhằm đánh giá tổng kết các công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm đồng thời đề ra các phương hướng nhiệm vụ hoạt động cho năm tới.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Hội nghị là diễn đàn khoa học để cán bộ ngành nhãn khoa trao đổi, chia sẻ, công bố các công trình nghiên cứu nhãn khoa mới nhất được ứng dụng trong thời gian qua. Các bác sỹ Việt Nam sẽ có điều kiện để tiếp xúc với các chuyên gia nổi tiếng hàng đầu trong một số lĩnh vực chuyên sâu của ngành nhãn khoa trên thế giới để có thể trao đổi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác khám, điều trị cho người bệnh.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay số người mù trên cả nước rất lớn, riêng mù lòa do đục thủy tinh thể đã lên tới gần 1 triệu người. Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân gây mù lòa, có đến 80% số trường hợp mù lòa có thể phòng chữa được nếu chúng ta có được các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội nghị được khám mắt bằng các thiết bị hiện đại

Do vậy để kiểm soát các bệnh gây mù lòa ngoài sự cố gắng của ngành mắt cần có sự đóng góp của các cấp các ngành có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách phòng chống và chữa các bệnh về mắt, cần huy động các nguồn lực của xã hội cho hoạt động phòng chống mù lòa.

Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 1600 đại biểu Việt Nam và 80 chuyên gia, khách mời quốc tế đến từ các nước Pháp, Italia, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… tham dự.

Hội nghị có hơn 200 bài báo cáo về các chuyên ngành glôcôm, thể thủy tinh, dịch kính võng mạc, mắt trẻ em, giác mạc, phòng chống mù lòa, trong đó có báo cáo của tiến sỹ Trịnh Bạch Tuyết, nguyên Trưởng khoa Glaucoma, Bệnh Viện mắt TP.HCM, hiện nay là trưởng khoa Mắt của bệnh viện Quốc tế Thành Đô (CIH) về ứng dụng lâm sàng và theo dõi hiệu quả của Ologen, một vật tư dùng trong điều trị bệnh nhân Glaucoma, giúp điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân tại Việt nam tránh được mù lòa.

60 gian hàng của các công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế liên quan đến ngành nhãn khoa, trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới và hiện đại nhất

Báo cáo của bác sỹ Kang Sung Yong tại Hàn quốc cùng công ty Oculus GmbH (Đức) về ứng dụng kỹ thuật Scheimpflug trong việc dựng bản đồ giác mạc và sinh lý học giác mạc trong việc phát hiện các bệnh lý về giác mạc, ứng dụng cho các bệnh nhân cần mổ laser excimer, lasik, smile cũng như các điều trị bệnh lý giác mạc khác. Nhất là các bệnh nhân có tiềm ẩn các bệnh lý giác mạc mà không thể xác định bằng các phương pháp khác.

Đặc biệt, Hội nghị lần này còn có các khóa đào tạo ngắn hạn với các chủ đề về Dịch kính võng mạc-OCT, Phẫu thuật Laser Femto Second, phẫu thuật Phaco nâng cao, Glocom, Nhãn nhi, Tạo hình-thẩm mỹ, học viên được cấp chứng chỉ tại Hội nghị.

Tại Hội nghị sẽ có 60 gian hàng và hơn 200 nhân viên phục vụ triển lãm của các công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế liên quan đến ngành nhãn khoa, trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất để các bác sỹ có thể cập nhật sử dụng mang lại hiệu quả mong muốn cho bệnh nhân.

Cũng trong sáng 24/11, Viện mắt Trung ương kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Mắt (1917 – 2017), 60 năm thành lập Bệnh viện Mắt Trung ương (1957-2017) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn