Ngày 17/8, tại Hà Nội, Hội Tim mạch TP Hà Nội và Bệnh viện Tim Hà Nội kết hợp với Hội Tim mạch Việt Nam, Tổng Hội Y Dược học Việt Nam, Phân Hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tim mạch Quốc tế Thăng Long lần thứ 3 với chủ đề “Kết nối một cộng đồng tim mạch”.
Hội nghị thu hút sự quan tâm của gần 2.500 đại biểu, các nhà khoa học, các y bác sĩ chuyên ngành tim mạch hàng đầu trong nước và quốc tế, trong đó có gần 30 giáo sư, chuyên gia quốc tế. Hơn 500 bài báo khoa học đã được đăng ký trong hội nghị, trong đó có hơn 200 bài báo cáo về các chủ đề nổi cộm trong chuyên ngành tim mạch hiện nay được trình bày tại các phiên trong hội nghị.
Đó là các vấn đề về những quan điểm mới trong bệnh lý động mạch vành, tái tưới máu mạch vành, can thiệp động mạch vành ngoại biên, các vấn đề liên quan đến suy tim, đột quỵ, tăng huyết áp...; các bệnh lý liên quan đến bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân cao huyết áp... cũng là những chủ đề mới của hội nghị lần này.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba lần thứ 2 cho tập thể Bệnh viện Tim Hà Nội và Huân chương Lao động hạng Ba cho GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện
Theo GS.TS Đặng Vạn Phước- Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, tại hội nghị lần này, các đại biểu được nghe hàng trăm bài báo cáo khoa học có chất lượng do các đồng nghiệp trong nước cũng như các diễn giả quốc tế đến từ các nước Mỹ, Anh, Singapore, Đức, Ý, Pháp, Malaysia...
Thống kê của ngành y tế, hiện Việt Nam có khoảng 25% người dân mắc các bệnh lý về tim mạch, đáng nói bệnh đang có dấu hiệu ngày một trẻ hóa. Chính vì vậy, hội nghị sẽ là cơ hội để tốt để đội ngũ các thầy thuốc tim mạch trong và ngoài nước trao đổi chuyên môn cũng như chia sẻ những kiến thức kinh nghiệm về phương pháp mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh tim mạch để “kết nối cộng đồng tim mạch”, góp phần mang lại trái tim khoẻ cho người dân Việt Nam
Hội nghị Tim mạch Quốc tế Thăng Long lần thứ 3 được giới chuyên môn trong ngành đánh giá cao và là một trong những sự kiện quan trọng của ngành tim mạch Việt Nam năm 2019.
Nhân sự kiện này, sáng nay Bệnh tim Hà Nội cũng đã vinh dự đón nhận huân chương lao động hạng 3 lần thứ 2 nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc của bệnh viện cũng được tặng thường trong dịp này, trong đó GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Bệnh viện Tim Hà Nội được thành lập ngày 15/11/2001 theo Quyết định số 6863/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Hoàn Kiếm. Ngày 19/8/2004, Bệnh viện Tim Hà Nội được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động.
Sau 15 năm hoạt động và phát triển, với tôn chỉ và mục tiêu “Vì một trái tim khỏe”, phương châm 3TH “Bệnh viện thân thiện - dịch vụ thuận tiện - nhân viên thanh lịch”, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, quy mô 380 giường bệnh với 5 mũi nhọn chuyên môn: Phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.
Đến nay, bệnh viện đã có 5 trung tâm, 37 khoa phòng, đơn nguyên với đội ngũ 687 cán bộ nhân viên cùng các chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành tim mạch, làm việc với tiêu chí 3H “Head - Hand - Heart” - trí tuệ từ khối óc, kỹ năng từ đôi tay và lương tâm từ trái tim người thầy thuốc. Số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng lên.
Nếu như năm 2005, bệnh viện mới tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì đến năm 2018 đã tăng lên gần 355.000 lượt bệnh nhân (gấp 30,4 lần) và số người điều trị nội trú cũng tăng gấp 13,6 lần so với trước…
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội thăm khám bệnh nhân tim mạch
Đặc biệt, từ một bệnh viện chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành Tim mạch. Tính đến nay, bệnh viện đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch tới hơn 20 bệnh viện trên toàn quốc.
Hầu hết các đơn vị được Bệnh viện Tim Hà Nội giúp đỡ hỗ trợ đào tạo chuyên môn đều có tăng trưởng nhanh và tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như người dân tại các địa phương. Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhất là “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên.