Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Gò Quao được cải thiện
Gò Quao là huyện nông thôn có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 34,6%). Thời gian qua, Gò Quao luôn quan tâm triển khai, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần giảm dần hộ nghèo, tăng hộ khá giàu, đời sống, vật chất, tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng cải thiện và nâng lên.
Về Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), xã có trên 65% đồng bào dân tộc Khmer, diện mạo nông thôn nơi đây thay da đổi thịt nhờ những chiếc cầu và đường bê tông liên ấp, liên xã phục vụ giao thông đi lại của người dân thuận tiện. Đèn điện bừng sáng phum, sóc khi đêm về với những công trình "Thắp sáng đường quê".
Thời gian qua, Định Hòa triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao đời sống đồng bào Khmer như hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…Kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư nâng cấp, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, trường học, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Danh Coi, ở ấp Hòa Hớn, xã Định Hòa cho biết: Diện mạo vùng đồng bào dân tộc xã Định Hòa đổi thay rõ nét, nhất là về hạ tầng nông thôn. Nhiều tuyến đường bê tông đã được xây dựng nối liền các xóm ấp, ô tô đến tận nơi. Nhờ vậy, việc đi lại của người dân dễ dàng, hàng hóa cũng không còn chịu cảnh bị ép giá như trước. Đường sá thông thoáng, nhà xây thay nhà lá mọc lên khắp phum, sóc.
"Bà con Khmer xã Định Hòa hầu hết đã xóa đói giảm nghèo và đang nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Cuộc sống nghèo khổ trước đây đã được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, giúp bà con chúng tôi đẩy lùi, xóa bỏ và tạo nên một cuộc sống vui tươi, đủ đầy, hạnh phúc hôm nay. Bà con Khmer xã Định Hòa rất biết ơn Đảng và Nhà nước" – ông Danh Coi tâm sự.
Tranh thủ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 để hỗ trợ đồng bào DTTS
Chủ tịch UBND xã Định Hòa, ông Phạm Thanh Hải cho biết: Thời gian qua xã tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ đồng bào Khmer. Đảng ủy xã phân công các chi bộ quản lý, theo dõi sâu sát các hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời hỗ trợ. Cùng với đó, tạo mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất; vận động hỗ trợ quà, nhà tình thương cho hộ có hoàn cảnh khó khăn…
"Đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer ở xã bây giờ nhiều khởi sắc, đó là nhờ hiệu quả từ các chương trình, dự án, mà hơn hết người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất. Trước đây, mô hình 1ha/100 triệu đồng/năm đối với người dân Định Hòa ít, nhưng nay vài ba công đất có mức thu nhập như thế không phải chuyện hiếm. Đó cũng nhờ địa phương triển khai kịp thời các chính sách của Đảng dành cho đồng bào dân tộc Khmer trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống" – ông Hải khẳng định.
Đến Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao) ấp có tới 80% là đồng bào Khmer sinh sống, đã một thời, Thạnh Hòa 3 thuộc diện ấp nghèo nhất xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 và các dự án, chính sách dân tộc, ấp vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất, nhờ vậy đến nay Thạnh Hòa 3 đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng lên.
Gia đình anh Danh Lợi, người dân tộc Khmer, ở ấp Thạnh Hòa 3 có 4 nhân khẩu, trước đây thuộc diện hộ nghèo của ấp. Sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Quao hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ, anh cải tạo đất trồng các loại hoa màu chuyên canh để bán nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó, cuộc sống gia đình anh ngày một khấm khá lên. Tháng 10/2022, gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo và anh xây được căn nhà mới.
Được thụ hưởng từ Chương trình MTQG 1719, anh Danh Khenl ở ấp Thạnh Hòa 3, có căn nhà mới kiên cố được xây dựng thay căn nhà dột trước đây. Phấn khởi trước sự hỗ trợ kịp thời này, anh Danh Khenl nói: "Mặc dù cố gắng lao động, tích cóp nhiều năm nhưng gia đình tôi vẫn không xây được căn nhà lành lặn để ở. Nhờ địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình góp thêm tiền để xây căn nhà mới. Đây được xem là căn nhà "mơ ước" của gia đình tôi từ bấy lâu nay. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ. Bây giờ, gia đình không còn chịu cảnh nhà dột, cột xiêu như trước nên an tâm lao động, sản xuất".
Ông Danh Bạch, Bí thư chi bộ ấp Thạnh Hòa 3 cho biết nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giúp đồng bào phát triển kinh tế nên đến nay, cuộc sống người dân ấp Thạnh Hòa 3 phát triển hơn trước rất nhiều. Từ sự đóng góp của nhân dân, các con đường giao thông được bê tông hóa, ấp không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn 12 hộ (chiếm 4,2%); 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 70% gia đình có con em học lên đại học, cao đẳng...
Ông Lê Kim Khoa, Phó Chủ tịch huyện Gò Quao cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Gò Quao thực hiện 06 dự án, trong đó có 04 tiểu dự án. Trong 2 năm 2022 và 2023, Gò Quao được phân bổ 11,5 tỷ đồng, đến nay các xã đang triển khai thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư giải quyết nhà ở cho 53 hộ, mổi hộ 40 triệu đồng (đã hoàn thành và bàn giao 16 căn), giải quyết chuyển đổi nghề cho 80 hộ, hỗ trợ nước phân tán 36 hộ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 27 hộ có nhu cầu vay vốn, giải quyết chuyển đổi nghề 209 hộ, hỗ trợ nước phân tán 105 hộ. Ngoài ra, huyện còn triển khai các dự án, mô hình trong vùng đồng bào dân tộc như dự án nuôi dê, nuôi heo, tôm lúa, 55 hộ được tiếp cận nguồn vốn.
Thông qua việc hỗ trợ con giống, vật tư và các vật tư thiết yếu, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho hộ dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và ổn định cuộc sống. Hiện nay, các dự án đã và đang triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giúp cho người dân có nhà ở, có vốn chuyển đổi ngành nghề giảm dần số hộ nghèo của huyện.
Sự đổi thay về vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer Gò Quao hôm nay là minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước. Đây là động lực để đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chương trình vinh danh Vì sự phát triển dược liệu Việt.