Hà Nội

Nhiều khoản thu 'núp bóng' xã hội hóa giáo dục

18-12-2023 20:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù Nghệ An đã có quy định rất rõ về các khoản thu trong nhà trường nhưng trong quá trình triển khai, không phải khi nào chủ trương của nhà trường cũng nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh.

Lạm thu "núp bóng"… tự nguyện?

Sau buổi họp phụ huynh cuối tháng 10 vừa qua, Trường tiểu học Hưng Bình (TP. Vinh, Nghệ An), đang rốt ráo vận động phụ huynh đóng các khoản tài trợ giáo dục cho năm học 2023-2024. Tổng số tiền năm nay trường này vận động đóng góp là 530 triệu đồng. Trong đó, có 370 triệu đồng dành để mua 37 máy tính cho giáo viên sử dụng. Vấn đề này khiến một số phụ huynh đặt câu hỏi, máy tính cho giáo viên thì nhà trường hoặc giáo viên phải bỏ tiền để mua, không thể vận động từ phụ huynh?.

Nhiều khoản thu 'núp bóng' xã hội hóa giáo dục- Ảnh 1.

Giờ ra chơi ở trường THPT Quỳnh Lưu 4 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Con năm nay lên lớp 1, anh T.N.L (32 tuổi, Phường Hưng Bình, TP. Vinh) cho biết, trong buổi họp phụ huynh mới đây, hầu hết phụ huynh đều bất ngờ về các hạng mục thu xã hội hóa. Cô giáo nói, năm nay sẽ mua máy tính để bàn cho các cô dạy với một đơn giá một chiếc là 10 triệu đồng.

"Tôi nghĩ điều này là không sai nhưng liệu có cần thiết không. Chẳng lẽ các giáo viên đi dạy, không thể tự sắm cho mình một chiếc máy tính xách tay để sử dụng, cái gì cũng kêu gọi phụ huynh đóng góp. Nếu phụ huynh khá giả thì còn đỡ, phụ huynh khó khăn thì đây là khoản tiền không nhỏ. Nói thật, phụ huynh không nói ra nhưng rất nhiều người bức xúc" - vị phụ huynh này nói.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Việt Hà – Hiệu trưởng Tiểu học Hưng Bình cho biết, nhà trường làm theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Ngoài việc mua 37 máy tính thì nhà trường còn bổ sung 32 bộ bàn ghế ở phòng tin học và sữa chữa, thay thế hệ thống wifi, hệ thống điện và mạng internet cho nhà tin học.

"Việc mua sắm 37 máy tính là để đặt cố định trong lớp học, cho các giáo viên chủ nhiệm. Đó cũng xuất phát từ nhu cầu của nhiều phụ huynh. Chúng tôi làm theo đúng quy trình. Ban đầu là đại diện phường và phụ huynh đến khảo sát nhu cầu. Sau đó làm tờ trình gửi lên phường, sau khi phường duyệt xong thì mới gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch đã được phê duyệt", bà Hà cho biết.

Nhiều khoản thu 'núp bóng' xã hội hóa giáo dục- Ảnh 2.

Lễ khai giảng của Trường Tiểu học Hưng Bình (TP. Vinh).

Hay tại Trường THPT Quỳnh Lưu 4, (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đầu năm học này, một phụ huynh lớp 10 đã công khai lên mạng xã hội một bảng chi tiết các khoản thu trong năm học với số tiền lên đến hơn 8 triệu đồng. Với số tiền này phụ huynh này cho rằng: "Với một gia đình nông dân bán hết số lúa cả năm làm được thì chưa chắc chắn đã đủ nạp cho một đứa con đi học". Trong số này, khoản thu nhiều nhất là học thêm 3.700.000 đồng/năm, tiền quỹ lớp, quỹ trường, quỹ hội, tiền xã hội hóa (dự kiến) và tiền lắp bảng…

Trước đó, mới bước vào năm học, dù chưa triển khai thu xã hội hóa nhưng Trường Tiểu học Trường Thi (TP. Vinh) cũng đã có chủ trương kêu gọi các lớp mua sắm điều hòa cho học sinh từ khối 1 đến khối 3 toàn trường. Chủ trương không sai nhưng do trong cách triển khai còn áp đặt, chưa thấu tình, đạt lý nên đã khiến không ít phụ huynh không đồng tình. Sự việc, sau đó đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh chấn chỉnh, yêu cầu rút kinh nghiệm.

Nhiều khoản thu 'núp bóng' xã hội hóa giáo dục- Ảnh 3.

Nhiều lớp học ở Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông) được đầu tư khang trang nhờ nguồn vận động tài trợ từ các doanh nghiệp.

Bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh nêu quan điểm: "Đã gọi là xã hội hóa thì phải làm kịp thời. Để cho các cháu sử dụng không tròn 9 tháng học thì cũng phải được ít nhất 8 tháng. Còn xã hội hóa mà nửa năm học mới vận động, cuối năm mới mua thì các cháu nghỉ hè rồi".

Tuy nhiên do vấn đề tài trợ giáo dục rất nhạy cảm nên thời gian qua, Phòng buộc phải siết chặt trong việc phê duyệt. "Từ đầu năm đến nay, chúng tôi trả về rất nhiều hồ sơ, có trường trình lên đến 7 lần nhưng vẫn không được phê duyệt. Phần lớn những kế hoạch không được phê duyệt là do nhu cầu mua sắm không thiết thực, không hợp lý…" - bà Hoàng Phương Thảo nói thêm.

Hiện nay, ngoài các khoản thu bắt buộc theo quy định như học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền giữ xe thì các khoản thu còn lại ở các nhà trường đều theo tinh thần tự nguyện và thỏa thuận. Trong đó, khoản thu phổ biến nhất đó là thu xã hội hóa căn cứ theo kế hoạch đã được phê duyệt của các nhà trường. Khoản thu còn lại, chủ yếu do hội phụ huynh đứng ra kêu gọi, chủ yếu là để phục vụ cho các hoạt động trong lớp học.

Công khai, minh bạch các khoản thu

Tại Nghệ An, vấn đề thu chi trong năm học luôn nhận được sự quan tâm của dư luận và cũng là một trong những vấn đề "nóng" thường niên của ngành giáo dục.

Về vấn đề xã hội hóa, vận động phụ huynh học sinh, mỗi nhà trường có một quan điểm khác nhau. Ông Đặng Vương Linh – Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho rằng: "Để xây dựng một ngôi trường khang trang – hiện đại thì nguồn ngân sách trường sẽ không đủ. Tuy nhiên, cũng xác định không nên ỉ lại quá nhiều vào phụ huynh. Ngay cả kế hoạch xã hội hóa, chúng tôi quan niệm, phụ huynh có chừng nào đóng chừng ấy. Phần còn lại, nhà trường sẽ tiết kiệm chi hoặc huy động, kêu gọi từ các nguồn hỗ trợ khác".

Nhiều khoản thu 'núp bóng' xã hội hóa giáo dục- Ảnh 4.

Năm học vừa qua, hội cha mẹ học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 2 đã đưa ra nhiều khoản chi trái với quy định.

Tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, tại các cơ sở giáo dục, bản niêm yết phải ghi rõ các khoản thu, mức thu, khoản đóng góp, đối tượng và mục đích sử dụng, nội dung chi, mức chi và các thông báo khác nếu có. Đặc biệt, để tránh tình trạng một số cơ sở giáo dục đang dự định đề ra các mức thu xã hội hóa đầu năm học mới khi chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Công an huyện Nghĩa Đàn cũng đã có văn bản tăng cường quản lý thu, chi. Trong đó đề nghị nhiều ban ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục cần tiến hành rà soát, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thu chi, kêu gọi xã hội hóa khi chưa được phê duyệt. Tuyệt đối không để các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu chi sai quy định, gây áp lực và dư luận không tốt trong nhân dân, làm phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.

Để minh bạch trong việc thu các nguồn xã hội hoá, bà Hoàng Phương Thào – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho hay: "Nếu nhà trường nào không dám làm, không chịu trách nhiệm sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện, thành phố đã có phần mềm và yêu cầu các trường đánh mã tài sản để có thể cập nhật các dự liệu của các nhà trường khi tiến hành phê duyệt. Chúng tôi kịp thời chấn chỉnh nếu có thông tin sai phạm, tránh tình trạng một số hiệu trưởng ẩu, lợi dụng hoặc trục lợi việc thu chi…" - bà Thảo cho biết thêm.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, hiện Sở mới bắt đầu phê duyệt kế hoạch xã hội hóa của các trường THPT và sẽ tiến hành thực hiện vào học kỳ II.

Về vấn đề này, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, từ đầu năm học đến nay, có một số đơn vị có cách thức triển khai chưa hợp lý, chưa đúng trình tự, quy định theo hướng dẫn. Các trường hợp này, Sở đã trực tiếp nhắc nhở và chấn chỉnh. Đồng thời lưu ý các trường khi triển khai trong thời gian tới cần có kế hoạch thu chi phù hợp, đúng quy trình, đảm bảo đúng mục đích.

Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai, xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định. Quan điểm của ngành đối với các khoản thu tự nguyện là đảm bảo nguyên tắc: Minh bạch, công khai, tự nguyện, không quy định mức thu bình quân, tối thiểu... Đồng thời giãn các khoản thu, tránh tập trung vào dịp đầu năm gây áp lực cho phụ huynh.

Nghệ An xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu lạm thuNghệ An xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu lạm thu

SKĐS - Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An yêu cầu chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định. Xử lý nghiêm đối với Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn