Nhiều khó khăn trong chăm sóc sản khoa và sơ sinh tại tuyến huyện

12-12-2022 16:35 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Số lượng bệnh nhân ít, kỹ thuật công nghệ chưa được đầu tư, nhân lực đào tạo còn nhiều khó khăn… là những nguyên nhân dẫn đến chăm sóc sản khoa và sơ sinh tại bệnh viện tuyến huyện còn nhiều hạn chế.

Giải pháp nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu sốGiải pháp nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa hình đi lại khó khăn, trình độ văn hóa còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại… do đó cần có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản.

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu điều trị

Liên quan đến thực trạng y tế tuyến huyện, một số khó khăn chính được nêu ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Theo khảo sát của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, mới chỉ có 68% BVĐK huyện có monitoring sản khoa; Chưa đến 70% khoa sản của bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện có bình oxy và bộ dụng cụ thở oxy. Chỉ có 47.9% bệnh viện tuyến huyện có đơn nguyên sơ sinh theo quy đinh của Bộ Y tế.

Cũng theo số liệu của khảo sát về thực trạng mạng lưới và năng lực cung cấp dịch vụ CSSKSS của Vụ SKBMTE, nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và sơ sinh rất thiếu. Hầu hết các bệnh viện huyện đều bố trí khoa Sản chung với khoa Ngoại để tận dụng nhân lực. Ở phần lớn các bệnh viện huyện, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa ngoại kiêm công tác sản khoa.

Việc bố trí cho các cán bộ đi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cũng gặp rất nhiều khó khăn do không đủ cán bộ làm việc. Số liệu điều tra 2010 cho thấy có tới 21,3% BVĐK huyện không có Bs chuyên khoa sản (từ định hướng trở lên). Thiếu người trực, trực dày không có thời gian để nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe nên ảnh hưởng không tốt đến việc theo dõi và xử trí khi có tình huống bất thường xảy ra, đặc biệt khi có quá đông sản phụ thì càng dễ xảy ra sai sót.

Nhiều khó khăn trong chăm sóc sản khoa và sơ sinh tại tuyến huyện - Ảnh 2.

Nhân lực ở bệnh viện tuyến huyện còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Về năng lực cung cấp dịch vụ: Trong toàn quốc, có 68,2% BV huyện có khả năng mổ đẻ, 59,8% thực hiện truyền máu, 55,1% có khả năng cung cấp được cả hai dịch vụ mổ đẻ và truyền máu. Nếu tính riêng các huyện miền núi là nơi bắt buộc phải triển khai được các loại phẫu thuật, thủ thuật trên thì mới có 81% các huyện miền núi có thể mổ lấy thai, 53% mổ cắt tử cung bán phần cấp cứu và 47% có thể triển khai truyền máu. Việc triển khai thực hiện truyền máu là phức tạp bởi các đòi hỏi về nguồn cung cấp máu, dự trữ máu (tủ tại bệnh viện huyện), khả năng sàng lọc nguồn máu an toàn với các bệnh viêm gan B, C, giang mai, HIV.

Tại một số khu vực dự án, khung pháp lý (quy định chuyển tuyến) đã được ban hành, hệ thống chuyển tuyến dựa vào cộng đồng được triển khai tốt, và có đội cấp cứu lưu động tuyến huyện phục vụ công tác cấp cứu ngoại tuyến và vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi cần thiết. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực miền núi, hệ thống cấp cứu lưu động và vận chuyển cấp cứu còn sơ sài, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ cấp cứu.

Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh ở y tế tuyến y tế cơ sở có nhiều hạn chế trong tất cả các bước phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức. Do số bệnh nhân đến sử dụng tại tuyến huyện ít dẫn đến việc có ít cơ hội thực hành. Ít cơ hội được tham dự tập huấn chuyên môn do kinh phí hạn chế và khó bố trí người làm thay cũng là các nguyên nhân hạn chế năng lực. Bên cạnh đó, còn tồn tại các biểu hiện chưa kịp thời, thực hiện chưa đúng quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ khi có tai biến xảy ra.

Việc tổ chức dịch vụ chăm sóc sản khoa, cấp cứu sản khoa còn có những điểm chưa hợp lý có thể dẫn đến xử trí không hiệu quả khi có tai biến sản khoa xảy ra. Hiện trạng này chủ yếu cũng là do khoa không đủ cán bộ chuyên khoa sản, bố trí cán bộ trực chưa phù hợp, phối hợp chưa tốt giữa sản và sơ sinh, giữa sản và gây mê, hồi sức cấp cứu.

Nâng cao năng lực cấp cứu sản khoa cho bệnh viện tuyến huyện

Hàng năm đều có các trường hợp cấp cứu sản khoa và cấp cứu sơ sinh được chuyển tuyến (từ dưới lên và từ bệnh viện huyện lên tuyến trên). Bảng trên cho thấy trong năm 2017, có 15 bệnh viện có chuyển tuyến cấp cứu sản khoa, trong đó có 6 bệnh viện chuyển lên tuyến trên > 20 trường hợp và 12 bệnh viện tiếp nhận >20 trường hợp cấp cứu từ tuyến dưới chuyển lên.

Có 16 bệnh viện nhận cấp cứu sơ sinh từ tuyến dưới, trong đó có tới 8 bệnh viện tiếp nhận > 20 ca mỗi năm. Trong số 18 bệnh viện có chuyển sơ sinh tuyến trên, có 2 bệnh viện chuyển > 20 trường hợp.

Nhiều khó khăn trong chăm sóc sản khoa và sơ sinh tại tuyến huyện - Ảnh 3.

Cần có chính sách để thu hút và tuyển dụng nhân lực bác sĩ, hộ sinh cho các huyện miền núi khó khăn như chế độ đãi ngộ tiền lương, phụ cấp, xét tuyển thẳng không qua thi tuyển.

Trong năm 2017, có 13/20 bệnh viện báo cáo có tai biến sản khoa với tổng số 60 trường hợp. Về các nguyên nhân, chảy máu vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất với 26 trường hợp ở 8 bệnh viện, tiếp theo là nhiễm trùng và sản giật (mỗi nguyên nhân có 13 trường hợp). Đặc biệt vẫn còn 2 bệnh viện báo cáo có xảy ra tai biến sản khoa do phá thai với 4 trường hợp.

Vỡ tử cung là một tai biến nặng và đã giảm rất nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này ghi nhận vẫn có 1 trường hợp bị vỡ tử cung. Đây là vấn đề cần được xem xét kỹ, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa. Phát hiện sớm, theo dõi sát tình trạng sản phụ sẽ phát hiện sớm được nguy cơ vỡ tử cung để có xử trí kịp thời là những vấn đề cần được ưu tiên trong kế hoạch nâng cao chất lượng chăm sóc, cấp cứu tại các CSYT.

Để nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện cần bổ sung các tiêu chí còn thiếu để thực hiện đầy đủ về cấp cứu sản khoa cơ bản. Đảm bảo có sẵn nguồn máu truyền là tiêu chí bắt buộc trong chăm sóc cấp cứu sản khoa toàn diện. Các bệnh viện cần phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong huyện tổ chức ngân hàng máu sống để giúp việc tiếp cận nguồn máu được chủ động và an toàn hơn.

Các bệnh viện cũng cần sớm giải quyết sự thiếu hụt nhân lực chuyên ngành sản/nhi, huyết học-truyền máu, tiến tới tất cả các bác sĩ làm việc tại khoa sản và khoa nhi ở các BV huyện đều phải có trình độ từ chuyên khoa sơ bộ trở lên bằng các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh tăng cường bác sĩ chuyên khoa từ tuyến trên, giải pháp nhanh nhất có thể thực hiện để tăng cường nhân lực chuyên khoa là đào tạo định hướng sản, nhi cho bác sĩ đa khoa kể cả đào tạo tại chỗ. Chú trọng công tác đào tạo kỹ năng, đào tạo theo kíp theo yêu cầu của từng gói dịch vụ kỹ thuật.

Cần có chính sách để thu hút và tuyển dụng nhân lực bác sĩ, hộ sinh cho các huyện miền núi khó khăn như chế độ đãi ngộ tiền lương, phụ cấp, xét tuyển thẳng không qua thi tuyển.

Cần bổ sung đồng bộ trang thiết bị, thuốc, kết hợp với đào tạo cán bộ cho các BV huyện để có đủ khả năng cung cấp gói dịch vụ cấp cứu sản khoa thiết yếu toàn diện và triển khai, duy trì hoạt động của đơn nguyên sơ sinh.

Các bệnh viện thường xuyên kiểm tra, bảo đảm đủ loại thuốc thiết yếu, cơ bản trong cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Sở y tế cần hỗ trợ cải thiện dịch vụ chăm sóc chuyển tuyến cho bệnh viện tuyến huyện kể cả dịch vụ cấp cứu tại cộng đồng và chăm sóc khi chuyển lên tuyến trên. Cần có hướng dẫn cụ thể về thủ tục chuyển tuyến, trang thiết bị và thuốc luôn sẵn sàng để thực hiện cấp cứu chuyển tuyến một cách nhanh nhất.

Theo "Khảo sát thực trạng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động cải thiện chất lượng chăm sóc, cấp cứu sản khoa, sơ sinh tại một số bệnh viện tuyến huyện thuộc 4 tỉnh miền núi phía Bắc", Quỹ hỗ trợ kỹ thuật của EU cho ngành y tế và Bộ Y tế thực hiện năm 2019.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu sốĐội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Nhờ có đội ngũ cô đỡ thôn bản, hàng chục nghìn bà mẹ đã có thai kỳ an toàn, trẻ sơ sinh được chăm sóc đúng cách, giúp giảm thiểu tình trạng tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu số và miền núi,

Xem thêm video đang được quan tâm:

Từ Năm 2026: Sẽ Có Vaccine Tiêm Phòng Ung Thư Cổ Tử Cung Miễn Phí | SKĐS



PV
Ý kiến của bạn