Bài phát biểu của ông Macron tập trung vào củng cố châu Âu và nỗ lực phòng thủ chung của khối. Theo hãng tin AFP, là người gắn bó với chính sách đa phương, Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến các mục tiêu được xem là ưu tiên số một: Ngân sách cho vùng Euro, an ninh quốc phòng chung và chính sách di dân nhập cư.
Trong bài phát biểu ngày 27/8 tại Paris trước sự hiện diện của 250 chính trị gia, nghị sĩ và các chuyên gia quan hệ quốc tế của Pháp, Tổng thống Macron tuyên bố ông sẽ thực hiện nỗ lực mới vì nền quốc phòng của EU. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh an ninh của “Lục địa Già” không nên dựa vào Mỹ và việc đảm bảo an ninh cũng như chủ quyền của khối phụ thuộc vào chính các quốc gia thành viên.
Trong thời gian qua nhiều lãnh đạo châu Âu, từ ông Macron cho đến Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk... đều cho rằng đã đến thời điểm châu Âu cần thay đổi và xây dựng một chiến lược an ninh tự chủ, độc lập hơn cho chính mình chứ không trông đợi tất cả vào Mỹ. Tư duy của các nhà lãnh đạo châu Âu xuất phát từ thực tế là từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì Mỹ đã gây ra rất nhiều rạn nứt với các đồng minh truyền thống tại châu Âu trong nội bộ khối quân sự NATO.
Tổng thống Pháp Macron đưa ra một chính sách đối ngoại mới tập trung vào EU.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của ông Macron, đó là châu Âu cần phải đối thoại với Nga và trong cấu trúc an ninh tương lai của mình thì châu Âu trước hết cần phải tập trung vào các vấn đề như an ninh mạng, vũ khí hóa học, an ninh không gian vũ trụ hay tại các vùng cực, tức đều là các lĩnh vực mà nước Nga chiếm giữ nhiều ưu thế chủ động. Đối với các vấn đề khác, như Syria thì ông Macron vẫn giữ quan điểm chỉ trích chính quyền của ông Bashar Al-Assad còn trong chủ đề Lybia thì Pháp muốn thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Paris ký hồi tháng 5 vừa qua giữa 4 lực lượng tại Lybia nhằm sớm khôi phục trật tự tại quốc gia này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, tham vọng to lớn của Tổng thống Macron đang đối mặt với nhiều thách thức, do thái độ thụ động của một số thành viên Liên minh EUvà nhất là các chính phủ dân túy. Ngay đồng minh của ông là Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị suy yếu vì những vấn đề nội bộ. Sau một năm đầu trở thành tâm điểm của EU với tư cách là nhà lãnh đạo trẻ có tư tưởng cải cách táo bạo của châu Âu, ông Macron bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Kế hoạch đầy tham vọng về việc cải tổ toàn diện Liên minh châu Âu do ông Macron đưa ra hiện đang rơi vào bế tắc, do không nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều thành viên EU, nhất là từ phía Đức, cường quốc kinh tế số 1 của khối. Ngoài ra, các chuyến công du con thoi của ông đến Mỹ, Nga... không đạt hiệu quả như mong muốn.
Đáng chú ý, chuyến đi của ông Macron đến Mỹ hồi tháng 4 cũng không thành công, khi ông Macron không thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, dù trước đó giới phân tích cho rằng ông Macron là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất có thể thuyết phục ông Trump. Ông Macron cũng không giúp cải thiện được thực trạng đóng băng quan hệ giữa Nga với phương Tây, và khi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki hồi tháng 7/2018 thì châu Âu, trong đó có Pháp, gần như bị gạt bên lề. Giới phân tích nhận định tất cả những yếu tố trên xuất phát từ việc nước Pháp của ông Macron không còn là “trung tâm”của thế giới.
Đúng 1 năm nữa, vào tháng 8/2019 nước Pháp sẽ là chủ nhà đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G7. Nhiệm vụ nặng nề của Tổng thống Pháp hiện nay là vực dậy uy tín và tầm ảnh hưởng của Pháp đối với G7 và toàn cầu. Trong một nỗ lực mới nhất để vực dậy uy thế của nước Pháp, Tổng thống Pháp đã mời lãnh đạo Mỹ, Nga, Nhật và các nước châu Âu họp tại Paris vào tháng 11 tới, bên lề lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất để thảo luận về việc cải cách tổ chức WTO.
Dư luận đang chờ xem, Tổng thống Macron sẽ xử lý những thách thức trên ra sao trong thời gian tới.