Nhiều kết quả tích cực trong đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số

18-09-2023 19:38 | Dinh dưỡng mẹ và bé

SKĐS - Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đã xây dựng Dự án số 7 nhằm chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, thời gian qua, huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) đã củng cố, kiện toàn mạng lưới chuyên trách; đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ.

Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ; phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ cũng như cách chăm sóc nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ. Hiện tại, huyện Minh Long đã xây dựng được các câu lạc bộ dinh dưỡng ở từng thôn.

Theo BS. Đinh Thị Tem - Trưởng Trạm Y tế xã Long Môn, hằng tháng, phụ nữ mang thai đều đến Trạm Y tế xã khám thai định kỳ. Đối với những trường hợp không đến khám, các cán bộ y tế sẽ đến tận nhà thăm hỏi; đồng thời hướng dẫn người dân cách chế biến thức ăn cho trẻ, hướng dẫn cho người dân lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho các bà mẹ nuôi con nhỏ.

Việc đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số đạt được những kết quả tích cực - Ảnh 1.

Nhiều chính sách của Nhà nước đã chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Trên địa bàn huyện Minh Long hiện có hơn 500 phụ nữ tham gia vào câu lạc bộ dinh dưỡng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi con, với mục tiêu không còn trẻ suy dinh dưỡng. Cùng với chăm lo cho phụ nữ mang thai và có con nhỏ, trong các buổi sinh hoạt, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Minh Long còn hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, nhằm cải thiện kinh tế, dinh dưỡng cho gia đình.

Việc đảm bảo dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo điều tra dinh dưỡng năm 2020, huyện Minh Long có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao (31,9%). Các huyện miền núi còn lại trong tỉnh cũng có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, như huyện Sơn Tây (48,3%), Ba Tơ (42,5%), Trà Bồng (37,2%) và Sơn Hà (32,2%).

Việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vấn đề cấp thiết.

Trong các dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, dự án 7 được xây dựng, triển khai để góp phần giải quyết vấn đề này.

Theo đó, dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em" đề ra mục tiêu cải thiện sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ.

Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030.

Đối tượng của dự án 7 là người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi. Trong đó, chú trọng chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Trẻ mầm non dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn 550.000 đồng/tháng

Ngày 4/3/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, nhằm hỗ trợ bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, Điều 5 Thông tư 15 quy định các chính sách hỗ trợ trẻ em dưới 5 tuổi như sau: Hỗ trợ trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh bẩm sinh phổ biến theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định. Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ;

Hỗ trợ 1 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh tối đa 500.000 đồng/trẻ; hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ; hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tối đa 3 triệu đồng/trẻ…


PV
Ý kiến của bạn