Hà Nội

Nhiều kết quả tích cực trong chăm sức sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số

09-12-2022 10:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Già hóa dân số đang ngày càng biến đổi mạnh mẽ, người cao tuổi tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức cho sự phát triển bền vững. Vượt qua khó khăn, công tác dân số ở Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Trải qua hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt với những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Từ năm 1961 đến nay, dân số Việt Nam tăng gấp hơn ba lần (3,185 lần) từ 30,2 triệu lên 96,2 triệu, thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đây. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từ 6,3 con xuống 2,09 con. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% xuống 1,04%. Tuổi thọ bình quân khá cao, đạt 73,5 tuổi năm 2018. Mức sinh giảm sẽ tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân.

Công tác DS-KHHGĐ đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, tăng khoảng 2% mỗi năm. Dân số Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tại Hà Nội, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuổi thọ của người dân tăng cao, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh vì thế già hóa dân số đang là một thách thức lớn của Hà Nội đòi hỏi phải có một kế hoạch chủ động ứng phó và những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo tốt hơn sức khỏe, an sinh xã hội và quyền lợi của người cao tuổi.

Thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Về quy mô dân số, dự kiến năm 2022, dân số trung bình khoảng 8,4 triệu người chiếm khoảng 8.4% dân số cả nước, toàn Thành phố đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - TFR: 2,1 con).

Về cơ cấu dân số: Thành phố đã bước đầu kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh: tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ nam/100 trẻ nữ) dự kiến năm 2022 là 112,5/100. Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số. Hiện nay, Hà Nội cùng với cả nước đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm, năm 2022 tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 82%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 86%.

Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù…

Nhiều kết quả tích cực trong chăm sức sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số - Ảnh 2.

Tuyên truyền, cổ động về nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh: M.Đ

Tỉnh Nghệ An, tốc độ gia tăng dân số nhanh cơ bản được khống chế, chất lượng dân số được nâng lên; Mô hình gia đình ít con trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội; nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển ngày càng nâng cao.

Những kết quả quan trọng này đã đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và là minh chứng của sự thấm nhuần sâu sắc nội dung Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác Dân số trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 4 cả nước) và có mức sinh cao (đứng trong tốp 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước), tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn ở mức cao. Mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số đang ở mức báo động. Chất lượng dân số chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số Phạm Vũ Hoàng đánh giá cao những nỗ lực của Nghệ An trong công tác dân số. Điều đó được thể hiện ở nhiều nội dung như đã ban hành nhiều chính sách, văn bản về công tác dân số, công tác tổ chức bộ máy thực hiện rất bài bản và việc ứng dụng CNTT và bước đầu thực hiện chuyển đổi số công tác truyền thông dân số.

Những khó khăn, thách thức của công tác dân số ở Nghệ An hiện nay cũng là bức tranh thu nhỏ, hội tụ tất cả những khó khăn, thách thức của công tác dân số cả nước cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng. Chính vì lẽ đó, nhiệm vụ công tác dân số của Nghệ An càng nặng nề hơn...

Nhiều kết quả tích cực trong chăm sức sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số - Ảnh 3.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số. Ảnh: T.Nam.

Tại Thái Bình, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô, chất lượng dân số tương đối ổn định và được cải thiện qua các năm. Dân số toàn tỉnh năm 2021 là trên 1,8 triệu người, mật độ dân số 1.179 người/km2.

Các mô hình nâng cao chất lượng dân số mang lại hiệu quả thiết thực. Thành lập mới 80 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 28 câu lạc bộ các bà mẹ có con tuổi vị thành niên, thanh niên, 8 câu lạc bộ tiền hôn nhân, 28 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, 43 câu lạc bộ các bạn gái tiêu biểu. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ tại 16 xã thực hiện mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, 83 xã thuộc đề án “Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển”.

Ngoài ra, chương trình sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tiếp tục được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Thái Bình, Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản An Đức) và 12 bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Công tác truyền thông, tư vấn được đổi mới với nhiều hình thức và nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng... đã góp phần đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW từng bước đi vào cuộc sống...

Tại Tiền Giang, số người từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu năm 2011, tỉnh có 183.108 người, thì đến năm 2020 đã tăng lên 258.846 người. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trên tổng số dân tăng đều qua các năm, tỷ lệ này vào năm 2015 là 12,7%, đến năm 2020 là 14,59%. Già hóa dân số hay tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu của phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh cũng đặt ra những thách thức lớn trong nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Do đó, cần thiết có Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.

Từ năm 2018, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Kết quả trong 3 năm 2018 - 2020, đề án đã tổ chức 770 cuộc truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và thực hiện 1.281 cuộc tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; trách nhiệm kính trọng không kỳ thị, không xem tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi của gia đình có người cao tuổi; trách nhiệm thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi…

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng đã thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với người cao tuổi và gia đình có người cao tuổi cho 44.435 người. Tổ chức truyền thông trực tiếp 1.386 cuộc cho trên 50 ngàn người để hướng dẫn chăm sóc và người cao tuổi tự chăm sóc.

Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi cho 63.325 người. Hướng dẫn 68.421 người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, đã khám bệnh, chữa bệnh cho 103.542 người cao tuổi tại trạm y tế và 12.938 người cao tuổi tại nơi cư trú; khám sức khỏe định kỳ cho người từ 80 tuổi trở lên và người từ 60 tuổi neo đơn, bệnh nặng…

Có thể nói, già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được tiến hành toàn diện. Để làm được điều đó, không chỉ ngành DS-KHHGĐ mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, đoàn thể, nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Dân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổiDân số Việt Nam già hóa nhanh chóng, thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

SKĐS - Già hóa dân số là hiện tượng mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tình trạng này đặt ra thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của lớp người đáng kính này.


Mai Hồ
Ý kiến của bạn