Hà Nội

Nhiều hướng đi 'phá cách' trong kinh doanh nông sản, thực phẩm

06-10-2021 15:59 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Rất nhiều phương cách linh hoạt, sáng tạo đã được những doanh nghiệp (DN) áp dụng để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19. Không chỉ giúp DN tồn tại, sự “phá cách” chính là thay đổi tư duy, để mở ra những hướng đi khác truyền thống…

Sản phẩm "độc, lạ" từ giải cứu

Căn nguyên từ khi chứng kiến nhiều câu chuyện giải cứu nông sản ùn ứ do dịch. Nhiều DN trẻ đã nghiên cứu, mày mò cho ra đời sản phẩm mới để lưu trữ, xuất khẩu lâu dài. Mới đây, Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi) đã thử nghiệm thành công bún khoai lang tím, khi thấy mặt hàng nông sản này mất giá, nông dân khó tìm đầu ra.

DN Lê Duy Toàn cũng là người từng "gây sốt" với bún dưa hấu, bánh tráng thanh long hồi đầu dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, xuất khẩu dưa hấu, thanh long trong nước gặp khó. Bún dưa hấu, bánh tráng thanh long xuất khẩu hơn 50 quốc gia, là sản phẩm luôn nằm trong top Best Seller (bán chạy nhất) trên Amazon.

Cũng từ câu chuyện trăn trở khi thấy khoai lang đến mùa thu hoạch nhưng không ai mua, anh Nguyễn Thanh Việt (39 tuổi, quê Vĩnh Long) - giảng viên Trường Cao đẳng Vĩnh Long đã nhiều lần đi công tác ở huyện Bình Tân - vùng nguyên liệu đặc sản khoai lang của tỉnh Vĩnh Long, chứng kiến cảnh người dân bán khoai với giá rẻ chỉ 500-1.000 đồng/kg đã thôi thúc anh tìm giải pháp nâng cao giá trị loại nông sản này.

Nhiều hướng đi “phá cách” trong kinh doanh nông sản - Ảnh 1.

Nhiều DN chế biến nông sản theo cách mới để tạo ra thị trường ngay trong dịch COVID-19

Ngày đi dạy, tối tối, anh Việt cùng vợ thử đủ các loại công thức để chế biến khoai lang. Anh kể, cứ nghiền nát khoai lang rồi trộn với bột để làm bánh, nấu chè, làm bột bánh canh, chiên, luộc, hấp… đủ các kiểu. Mất gần cả năm trời liên tục thay đổi công thức, gia giảm liều lượng, nếm trải không biết bao lần thất bại, cuối cùng, anh Việt đã cho ra đời những chiếc bánh phồng khoai lang đầu tiên. Có sản phẩm, anh mời học trò, bạn bè ăn thử. Thấy ngon và lạ, nhiều người tìm đến anh để mua hàng, có DN đề nghị hợp tác với anh để phân phối độc quyền.

Dịch bệnh COVID-19 gây không ít khó khăn cho các DN, nhưng cũng là cơ hội để Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH Thiên nhiên Việt có đơn hàng xuất khẩu các loại bột rau sang các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Chị và nhóm bạn đã thử nghiệm làm bột rau má. Vị giám đốc trẻ chia sẻ, khác với cách truyền thống là phơi nắng hoặc chế biến gia nhiệt khiến dinh dưỡng mất đi rất nhiều, chị áp dụng công nghệ mới là sấy lạnh. Mỗi loại rau cần thời gian sấy khác nhau, dao động từ 24-36 tiếng trước khi nghiền thành bột. Công nghệ này giúp giữ lại hương, vị nông sản gần như nguyên vẹn. Ngọc Hương cùng đội ngũ của mình vừa làm vừa sửa, hoàn thiện sản phẩm qua từng ngày.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Năm 2021, huyện Cao Phong có gần 2.000 ha cam, trong đó, hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng cam Cao Phong dự kiến đạt gần 20 nghìn tấn. Những ngày cuối tháng 9, dù chưa vào vụ thu hoạch, nhưng những người trồng cam tại Cao Phong đang rất sốt ruột về việc tiêu thụ cam những ngày tới khi dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp.

Để chủ động tiêu thụ cam Cao Phong theo hình thức mới, giúp nông dân đảm bảo giá trị nông sản, phát triển kinh tế ngay trong thời gian diễn ra dịch bệnh, từ tháng 8/2021 Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương để lên kế hoạch chi tiết đưa cam Cao phong lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Nhiều hướng đi “phá cách” trong kinh doanh nông sản - Ảnh 2.

Quả cam Cao Phong nổi tiếng, lần đầu lên sàn thương mại điện tử ngay trong dịch COVID-19

Đặt mục tiêu tiêu thụ 3.000 tấn cam Cao Phong qua sàn TMĐT, hiện Bưu điện tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để hướng dẫn toàn bộ quy trình đưa sản phẩm lên bán trên sàn TMĐT. Sau buổi tập huấn đã có gần 50 nhà cung cấp tại huyện Cao Phong mở gian hàng và đưa gần 60 sản phẩm lên sàn.

Trước Hòa Bình, hàng trăm nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh thành phố khác cũng đã rất thành thạo để đưa các sản phẩm của gia đình lên bán trên sàn TMĐT.

Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch 1034 về hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã lập tức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với từng địa phương để giúp người dân trên toàn quốc thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận phương thức kinh doanh mới - qua sàn thương mại điện tử.

Bài học từ đợt dịch này cho thấy các DN cần xem xét và có kế hoạch đầu tư bài bản hướng tới chế biến sâu cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu. Trong dịch COVID-19, gần như những DN chế biến sâu ít bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng được đơn hàng do những nhà cung cấp khác gặp khó vì dịch bệnh. Ngoài ra, việc đẩy mạnh thương mại điện tử là yếu tố đặc biệt quan trọng, đóng góp vào sự duy trì sản xuất, đồng thời mở rộng thị trường giúp DN vượt khó khăn của đại dịch.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Minh Thu
Ý kiến của bạn