BHXH Việt Nam vừa có Công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2019-2020.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, BHXH các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở GD-ĐT triển khai BHYT HSSV và đã đạt được kết quả quan trọng, số lượng HSSV tham gia BHYT hằng năm đều tăng. Năm học 2018-2019, đã có trường học có tỉ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.
Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều HSSV chưa tham gia BHYT. Để triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2019-2020 đạt hiệu quả, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo công tác BHYT HSSV, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT, coi đây là một trong những nhiệm vụ của nhà trường và việc chấp hành pháp luật của HSSV.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về BHYT vào thời điểm tháng 9 là tháng cao điểm phát động; tập trung truyền thông một số nội dung trong tâm, trọng điểm về BHYT HSSV trước thềm năm học mới 2019-2020 như: Tính nhân văn, cộng đồng chia sẻ của BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng; BHYT HSSV góp phần phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai đất nước; phạm vi, quyền lợi khi tham gia BHYT HSSV.
Tuyên truyền về những HSSV được Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả chi phí lớn. Gương người tốt, việc tốt trong thực hiện BHYT HSSV, nêu gương các trường học thực hiện tốt BHYT HSSV. Các quy định mới liên quan đến thực hiện BHYT HSSV theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Tham gia BHYT góp phần giúp gia đình các em HSSV giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh khi không may ốm bệnh
Phối hợp với cơ sở giáo dục phổ biến, triển khai hướng dẫn HSSV cách tra cứu mã số BHXH. Tiếp nhận hồ sơ tham gia BHYT và tiến hành cấp thẻ BHYT đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Đồng thời kịp thời xét duyệt và trình kinh phí thù lao thu BHYT cho các trường học, cơ sở giáo dục. Khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV.
Ngoài ra, BHXH các địa phương đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ mức đóng BHYT cho HSSV ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện nay, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT nhưng vẫn còn khoảng 6% HSSV chưa tham gia. Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT.
Tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh phổ thông cao hơn so với sinh viên. Chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, còn các năm sau có sự “hụt” đi đáng kể trong khối này.
Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, Quỹ BHYT đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho hàng trăm trường hợp HSSV với số tiền khoảng 200 triệu đồng/người. Đáng chú ý, có một học sinh ở quận Lê Chân (Hải Phòng) đã được Quỹ BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, trong đó riêng tiền thuốc Kedrigamma chiếm khoảng 720 triệu đồng.
Bệnh nhân đã được chi trả với số tiền như trên do đã tham gia BHYT nhiều năm nay. Chi phí dành cho thuốc chữa bệnh khá cao bởi phải nhập khẩu từ nước ngoài, cơ sở trong nước chưa thể sản xuất được. Điều này cho thấy tính ưu việt của BHYT với đối tượng HSSV trước thềm năm học mới. BHYT giúp gia đình các em học sinh giảm được áp lực chi phí thuốc men, chữa bệnh khi không may ốm bệnh.
Được biết, trường hợp của học sinh trên chưa phải là mức chi trả khám chữa bệnh BHYT cao nhất cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Nhưng là mức chi trả theo thẻ BHYT cao nhất của đối tượng HSSV trong thời gian qua.
Về thủ tục khi đi khám chữa bệnh BHYT của HSSV
- Khám chữa bệnh đúng quy định
Theo BHXH Việt Nam, HSSV khi đi khám chữa bệnh phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ ngay khi đến khám chữa bệnh gồm có: Thẻ BHYT còn hạn sử dụng và một trong các giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Thẻ Đoàn viên, Giấy phép lái xe… Riêng học sinh chưa có giấy tờ tùy thân thì sử dụng Thẻ học sinh hoặc giấy xác nhận của công an xã/phường nơi cư trú.
Ngoài ra HSSV phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ sau:
Trường hợp trong thời gian chờ cấp lại, đổi thẻ BHYT: Xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT;
Trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh: Xuất trình Giấy chuyển tuyến;
Trường hợp đến khám lại theo giấy hẹn của bác sỹ tại cơ sở y tế tuyến trên không qua cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu: Xuất trình Giấy hẹn khám lại;
Trường hợp đi học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú: Xuất trình bản chính hoặc bản sao quyết định cử đi học, giấy đăng ký tạm trú và được khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT;
- Trường hợp cấp cứu: Xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện.
- Khám chữa bệnh không đúng quy định: Không xuất trình đầy đủ một trong các giấy tờ đã nêu tại Khoản 1, mục này.
- Khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng Khám chữa bệnh BHYT: kể cả trường hợp đã xuất trình đầy đủ thủ tục.