Đa dạng các loại hình tuyên truyền lấp đầy "vùng trũng" về pháp luật
Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có dân số trên 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60%, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Đây đều là những địa bàn mà dân cư chủ yếu là đồng bào các DTTS điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, việc hiểu biết kiến thức pháp luật hạn chế, nhiều thiệt thòi trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như vô tình vi phạm pháp luật...
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG1719), Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa được giao chủ trì thực hiện nội dung "Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS" đã phối hợp với các huyện miền núi quyết liệt triển khai và đạt được những kết quả tích cực.
Tại huyện Mường Lát, kết hợp lồng ghép với các hội nghị tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp và mời báo cáo viên thực hiện các nội dung "PBGDPL và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS" tổ chức 08 hội nghị với trên 500 đại biểu tham gia là đại diện các tổ chức đoàn thể ở bản, khu phố như: Người có uy tín, Trưởng bản, Ban công tác Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ… và trưởng, phó các ngành, đoàn thể cấp xã.
Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 03 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông huyện Mường Lát với trên 600 đại biểu tham gia.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo, không xảy ra những điểm nóng phức tạp, tình hình hoạt động tôn giáo vùng DTTS được đảm bảo theo quy định của pháp luật, đồng bào luôn tin tưởng và chấp hành tốt mọi chủ trường, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Huyện Như Thanh được coi là "điểm sáng" trong tuyên truyền PBGDPL của tỉnh Thanh Hóa, 100% thành viên viên đều có trình độ chuyên môn luật. Các tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở là những người có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong thôn, bản và cộng đồng dân cư.
Công tác tuyên truyền gắn với các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới. Bên cạnh đó, đổi mới, đa dạng hóa thêm nhiều hình thức tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống, như: Biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật; thông qua hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở; hòa giải ở cơ sở; thông qua hệ thống đài truyền thanh huyện, loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử huyện; thông qua các hội thi, hội nghị, các buổi họp thôn, xóm, tổ dân phố...
Hoạt động hòa giải cơ sở từng bước có hiệu quả, góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở, giữ gìn được mối đoàn kết, củng cố tình làng, nghĩa xóm và hạn chế phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo kéo dài; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Hiện có 100% các xã, thị trấn của huyện Như Thanh được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó có 9 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân được nâng lên, hạn chế những vi phạm pháp luật xảy ra, giúp người dân, các doanh nghiệp tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia vào các quan hệ dân sự, hình sự.
Hàng loạt các hoạt động nâng cao kiến thức về pháp luật
Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện tổ chức các hoạt động PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, đồng thời triển khai nhiều đề án, kế hoạch tuyên truyền cho người dân trên địa bàn như: Đề án "Giảm thiếu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS", Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2018-2025", Kế hoạch "tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2021-2025".
Thực hiện các nhiệm vụ này, từ năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc đã tổ chức 37 hội nghị tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho 5.095 đại biểu các thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã biên giới, thôn bản vùng đồng bào Mông trên địa bàn các huyện miền núi...; nhờ đó, đã nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân vùng DTTS và miền núi của tỉnh đối với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, Ban Dân tộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Hội LHPN tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện miền núi tổ chức phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức hội thi, phiên tòa giả định, phát hành tài liệu pháp luật, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép tuyên truyền pháp luật với diễn văn nghệ, tiểu phẩm... đến cán bộ và Nhân dân ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Riêng Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và một số tổ chức khác, triển khai thực hiện 16 hội nghị tại các huyện Ngọc Lặc, Nông Cống, Thọ Xuân, Như Xuân, Vĩnh Lộc, Lang Chánh…, để tập huấn nghiệp vụ, pháp luật cho 4.840 đại biểu là cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên cơ sở, cán bộ chủ chốt cơ sở.
Thực hiện Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật" trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2027", Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tổ chức 10 hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với sự tham gia của trên 6.000 học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên...
Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa được biết, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân.
Đặc biệt, từ những buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức tại cơ sở, người dân được tiếp cận và tương tác hai chiều với hoạt động tuyên truyền pháp luật miễn phí; từ đó nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, giúp người dân biết tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.