Lễ hội làng Sen
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức khai mạc Lễ hội làng Sen 2022 – Liên hoạn Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc vào tối 17/5.
Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đây là dịp để nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh các giá trị tư tưởng của Người. Thông qua hoạt động của lễ hội để mỗi người hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.
Đây cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhận thức cụ thể hơn trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Lễ hội Làng Sen năm 2022 diễn ra từ ngày 14-28/5 với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú tiêu biểu như: chương trình nghệ thuật "Người Mẹ Làng Sen", triển lãm ảnh nghệ thuật "Đời Sen", liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022, trình diễn Áo dài Sen do Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Lễ hội Làng Sen được khởi xướng từ năm 1981 từ một phong trào ca hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, quê hương với tên gọi ban đầu là Liên hoan "Tiếng hát làng Sen". Đến năm 2002, liên hoan này được tỉnh Nghệ An nâng lên thành Lễ hội Làng Sen cấp tỉnh được tổ chức hàng năm và toàn quốc (tổ chức 5 năm/lần) vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hành trình theo chân Bác
Ngày 18/5, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Khai mạc triển lãm ảnh chuyên đề kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022) với chủ đề "Hành trình theo chân Bác".
Phần 1 của triển lãm với chủ đề "Tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc" với 2 nội dung: Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước và Tìm thấy con đường giải phóng dân tộc.
Phần 2 của triển lãm có chủ đề "Xây dựng các nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc", bao gồm các nội dung: Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngoài ra, tại triển lãm còn trưng bày một số bộ phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người đối với người dân.
Khu trưng bày chuyên đề "Hành trình theo chân Bác", người dân có thể tham quan, thưởng lãm các tác phẩm, tư liệu, hình ảnh khắc họa cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người; về hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chương trình còn có các hoạt động giao lưu, tọa đàm giới thiệu các tác phẩm về Bác, bản đồ Hành trình theo chân Bác và các hoạt động khác được tổ chức tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh.
Đứng lên và Cất tiếng
Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) tổ chức trưng bày "Đứng lên và Cất tiếng" là hoạt động hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022).
Trưng bày góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của một nhà báo vì nước - nhà báo Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Với 2 nội dung: "Tiếng nói dân tộc" và "Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng," trưng bày cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh xương máu, cống hiến quên mình cho sự nghiệp vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong số đó, phần thứ nhất điểm lại một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên.
Trưng bày "Đứng lên và cất tiếng" kéo dài đến hết ngày 31/12/2022 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Những tấm gương bình dị mà cao quý
Hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), kỷ niệm 111 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 05/6/2022) và thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức trưng bày triển lãm chuyên đề "Những tấm gương bình dị mà cao quý" và "Tuổi trẻ - Mùa xuân đất nước".
Nội dung các triển lãm cũng góp phần lan tỏa rộng rãi những tấm gương tiêu biểu, qua đó tuyên truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo cho toàn dân, đặc biệt là của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức tu dưỡng, rèn luyện trong tư tưởng về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" giới thiệu đến công chúng 132 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến là 43 tập thể và 89 cá nhân đã được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn từ hơn 300 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2021 - 2022. Mỗi hình ảnh và bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, không ngừng cố gắng, hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trưng bày chuyên đề "Tuổi trẻ - Mùa xuân đất nước" với gần 300 tư liệu ảnh, tài liệu, hiện vật, đã khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, sự quan tâm, cổ vũ và tình cảm muôn vàn yêu thương của Người dành cho thế hệ trẻ Việt Nam - những người chủ tương lai của nước nhà.
Trưng bày đồng thời giới thiệu những tấm gương tiêu biểu sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, những đóng góp nổi bật của thế hệ trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người".
Chương trình nghệ thuật "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với công lao trời biển và tình cảm đặc biệt của Bác dành cho chiến khu cách mạng.
Đây cũng là dịp khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng tỉnh Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, để nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc như Bác hằng mong ước.
Chương trình nghệ thuật gồm 3 phân đoạn: "Tổ quốc", "Đất thiêng", "Tuyên Quang làm theo lời Bác", với sự tham gia của trên 100 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa, nhạc công. Các khán giả đã được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiều dài lịch sử của đất nước kể từ khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, về đến Tân Trào lãnh đạo Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trở lại Tân Trào năm 1947; sự đổi mới và phát triển của Tuyên Quang hôm nay.
Bác Hồ một tình yêu bao la
Tối 18/5, chương trình nghệ thuật "Bác Hồ một tình yêu bao la" do Báo Văn hóa hợp các cơ quan liên quan tổ chức nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), được tường thuật trực tiếp trên Đài phát thanh truyền hình Hà Nội.
Với 2 phần "Nhớ mãi ơn Người", "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" được dàn dựng công phu, tâm huyết, chương trình đã đem đến khán giả những ca khúc quen thuộc ca ngợi Bác, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm của người dân mọi vùng miền đối với Bác.
Các ca khúc được thể hiện có thể kể đến như, "Từ làng Sen", "Dấu chân phía trước", "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Lời ca dâng Bác", "Dâng Người tiếng hát mùa xuân", "Đêm Trường Sơn nhớ Bác", "Bác cùng chúng cháu hành quân", "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên", "Thăm bến Nhà Rồng", "Miền Nam nhớ mãi ơn Người", "Làng Chăm ơn Bác", "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó"…
Chương trình năm nay có sự hòa quyện giữa những giọng ca nhạc cách mạng được khán giả yêu mến với nhiều tiếng hát trẻ trung, lần đầu xuất hiện trên sân khấu chương trình. Đó là Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng, Nghệ sĩ ưu tú Vân Khánh, Nghệ sĩ ưu tú Ploong Thiết, ca sĩ Anh Thơ, Quang Hà, Phương Nga, hai giọng ca Quán quân Sao Mai 2019 Lương Hải Yến và Quách Mai Thy.
Tham gia đêm nghệ thuật còn có các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Câu lạc bộ thiếu nhi Muse Academy…