Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

26-07-2022 10:01 | Thời sự

SKĐS - Trong những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ trì, tham gia nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).

Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩThủ tướng dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ

Sáng 16/7, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Hậu Giang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đảng và Nhà nước chăm lo người có công bằng nhiều chính sách cụ thể

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), chiều 23/7/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho hàng triệu người có công là lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư phát biểu: "Tôi rất vui mừng và xúc động được đến dự cuộc gặp mặt thân mật một số đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Trước hết, tôi xin được thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thành kính tưởng nhớ đến các bậc anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; trân trọng gửi tới các bác, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất".

Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu người có công, bao gồm các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ,... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ...

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tổng Bí thư rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và cảm ơn tấm lòng tri ân của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nói chung, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói riêng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm, góp phần khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình nghĩa thủy chung, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của thế hệ sau đối với công lao của các thế hệ đi trước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chiều 25/7/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động và gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, các cán bộ, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: VPCTN.

Chủ tịch nước nêu rõ, dù chiến tranh lùi xa gần 50 năm nhưng ở từng địa phương, gia đình vẫn nhiều nỗi đau mất mát. Cả nước đã có 1,2 triệu liệt sĩ, hiện tại còn nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa xác định được danh tính. Phát huy đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", Chủ tịch nước cho biết, 75 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công; chi nguồn ngân sách lớn để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công có hoàn cảnh khó khăn.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Nhà nước đã dành 400 tỷ đồng để tặng quà cho hơn 1,3 triệu người có công với cách mạng. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ…

Sáng 24/7, tại chương trình Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu.

Chủ tịch nước khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", trải qua hàng nghìn năm văn hiến, dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong các cuộc đấu tranh đó, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thương binh, liệt sĩ để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Chủ tịch nước nêu rõ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương thể chất và tinh thần vẫn còn hằn trên thân thể của những người thương binh và gia đình của những liệt sĩ. Những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn những giá trị của hòa bình. Chủ tịch nước đánh giá cao nhiều tấm gương trong gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, sản xuất, kinh doanh giỏi, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành,đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Những tấm gương bình dị mà cao cả, tỏa sáng, nhất là trong lúc thiên tai, dịch bệnh, góp phần làm rạng rỡ, vinh danh hai tiếng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng ghi nhận và khâm phục đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tưởng nhớ và tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, sáng 23/7, tại Thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ và trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Ban Dân y Khu 5…

Thủ tướng Chính phủ: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ

Ngày 23/7, trong chương trình công tác tại Nghệ An, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn - nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và một số "địa chỉ đỏ" khác.

Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn thành kính dâng hoa, dâng lễ, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, vì hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới.

Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ - Ảnh 4.

Thủ tướng thắp hương tại đền thờ các liệt sĩ Khu di tích quốc gia Truông Bồn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn - nơi thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn; Cũng trong sáng 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích quốc gia Truông Bồn.

Chiều cùng ngày, tại Nghĩa trang quốc tế Việt – Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu đã dâng hương, dâng hoa, kính cẩn nghiêng mình bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh vì tình hữu nghị quốc tế cao cả tại các mặt trận ở chiến trường Lào. Cũng trong chiều 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm, tặng quà động viên ông Bùi Đức Đôn, cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên 75 năm tuổi Đảng, hiện đang sinh sống tại xã Thạch Sơn, Anh Sơn; thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Nguyễn Sỹ Việt tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn.

Tối 23/7, trong chương trình công tác tại Nghệ An, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh–Liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" được tổ chức tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn.

Chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và làm việc với 3 cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ này. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động, ám ảnh về niềm hạnh phúc của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương - Nghệ An khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh; cũng như nỗi mỏi mòn ngóng chờ của mẹ trước lúc ra đi khi một người con nữa của mẹ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện làm ông xúc động về niềm hạnh phúc của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, 110 tuổi ở Đô Lương - Nghệ An khi tìm được hài cốt của một người con sau 51 năm hy sinh. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ và tri ân các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất, phồn vinh của Tổ quốc.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ để xoa dịu nỗi đau tinh thần đó bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện Đề án, nhất là các cán bộ, nhà khoa học, nhân viên trực tiếp triển khai nhiệm vụ. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn, tri ân đến các tổ chức và cá nhân vì sự tận tâm và trách nhiệm với gia đình của những người đã hy sinh vẻ vang cho Tổ quốc. "Sự mất mát và hy sinh đó không có gì bù đắp được và chúng ta cần cố gắng hơn nữa để xoa dịu nỗi đau chiến tranh", Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm, tri ân người có công với cách mạng tại Đà Nẵng

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, sáng 25/7/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng, thăm các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng tại địa phương.

Tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công các mạng thành phố Đà Nẵng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã gửi lời hỏi thăm, động viên và bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ, người có công với các mạng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nhân dịp ngày 27/7.

Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ thăm, động viên và tặng quà tri ân người có công tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Thế Phong.

"Đây là sự tri ân của Đảng và Nhà nước và toàn thể nhân dân đối với các bác, các cô, các chú, các anh chị thương binh, liệt sĩ… đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Và ngày nay, còn phải chịu đựng rất nhiều thương tật do chiến tranh để lại", Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Đất nước chúng ta cho đến nay có khoảng 9,2 triệu người có công với cách mạng. Thời gian qua, Đảng và Nhà đã có những chính sách đặc biệt để chăm sóc, tri ân người có công, thương bệnh binh; Đà Nẵng và các tỉnh thành cũng có chính sách riêng góp phần chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người có công với các mạng.

"Các chính sách đó dù không thể bù đắp được hết sự hy sinh, đóng góp của các bác, các cô, các chú, các anh chị… đối với sự nghiệp cách mạng nhưng đây là sự tri ân của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân đối với các thế hệ đi trước. Mong rằng với sự quan tâm này giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho những người đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Nữ chiến sỹ Trường Sơn

Ngày 25/7, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Đoàn đại biểu Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2022).

Tại buổi tiếp đoàn, Phó Chủ tịch nước bày tỏ niềm tự hào, xúc động trước tấm gương những nữ bộ đội Trường Sơn - các thanh niên xung phong, nữ lái xe, dân công hỏa tuyến... đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ hậu cần trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng 30/4 hào hùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ - Ảnh 7.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. Ảnh: VPCTN.

Đặc biệt, với bản lĩnh của các nữ chiến sĩ Trường Sơn, các cô, các chị đã kiên cường vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trong trong cuộc sống, đồng thời có những đóng góp ý nghĩa để xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt và không ngừng hoàn thiện các chủ trương, chính sách ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tấm lòng tri ân đối với người có công với cách mạng.

Phó Chủ tịch nước lưu ý, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói riêng, Hội Trường Sơn Việt Nam nói chung, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, lòng yêu nước, niềm tự hào truyền thống dân tộc đến các thế hệ, đặc biệt các thế hệ trẻ.

Tích cực tham gia thi đua lao động sản xuất, học tập, xây dựng cuộc sống mới, đặc biệt phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ngày 27/7 tri ân, tưởng nhớ!Ngày 27/7 tri ân, tưởng nhớ!

SKĐS - Gần 50 năm hưởng vị ngọt của hòa bình và phát triển, chúng ta vẫn không thể quên nỗi ám ảnh của chiến tranh, nhất là vào dịp 27/7 hàng năm.Tưởng nhớ những người đã khuất, nuốt nỗi đau hậu chiến vào lòng, càng thêm quyết tâm bảo vệ


SKĐS
Ý kiến của bạn