Nhiều hộ dân gần nửa thế kỷ 'sống treo' bên di tích ở Huế: Đơn vị quản lý di tích nói gì?

01-03-2023 13:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành rà soát đánh giá lại hiện trạng, thống kê số liệu hộ dân tại lăng Dục Đức và một số điểm di tích khác để đề xuất dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng...

Liên quan đến bài viết: "Gần nửa thế kỷ 'sống treo' bên di tích giữa lòng Cố đô Huế"Báo Sức khỏe và Đời sống đã đăng tải, trả lời PV, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, lăng Dục Đức (An Lăng) là một di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế có giá trị văn hóa lịch sử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là tài sản văn hóa vô giá của Quốc gia.

Theo số liệu điều tra hộ dân năm 2018, có khoảng 129 hộ đang sinh sống trong phạm vi khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Dục Đức. Nhiều gia đình có đến 2, 3 thế hệ sống chung trong những căn nhà chật chội, xuống cấp, môi trường không đảm bảo đã ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị cũng như việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích.

Người dân sinh sống trong những căn nhà đã xuống cấp.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang thực hiện lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022.

"Việc triển khai quy hoạch di tích trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các hộ dân sinh sống trong khu di sản trong những năm qua luôn được quan tâm (giải phóng thượng thành, eo bầu và một số khu vực khác). Tuy nhiên, do số lượng di tích Cố đô Huế rất lớn nên cần nhiều thời gian cũng như nguồn lực", Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời gian tới, đơn vị sẽ tiến hành rà soát đánh giá lại hiện trạng, thống kê số liệu hộ dân tại lăng Dục Đức và một số điểm di tích khác để đề xuất dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I phù hợp theo quy hoạch và điều kiện thực tế để ổn định đời sống người dân cũng như trả lại mặt bằng cho di tích.

Nhiều hộ dân gần nửa thế kỷ sống 'treo': Đơn vị quản lý di tích nói gì? - Ảnh 2.

Người dân sống treo bên di tích mong muốn được di dời hoặc chỉnh trang nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, theo tìm hiểu, An Lăng là di tích nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế, rộng 6 ha, là nơi an táng vua Dục Đức, vị vua thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn. Ngoài ra, đây cũng là nơi chôn cất thi hài của vua Thành Thái, vua Duy Tân cùng các hoàng hậu và 42 mộ xây của ông hoàng bà chúa, 121 ngôi mộ đất của con cháu.

Hơn 40 năm trước, chính quyền sở tại đã cấp nhà tập thể trong khuôn viên An Lăng cho cán bộ Ty Công nghiệp, Sở Giáo dục tỉnh sinh sống. Và cũng chừng ấy thời gian, 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu là cán bộ về hưu của tỉnh Bình Trị Thiên cũ vẫn sống tạm bợ trong khuôn viên lăng.

Ông Hoàng Văn Phỉ (75 tuổi) - người dân sinh sống ở đây cho biết: "Nguyện vọng của chúng tôi bây giờ là được giải toả, di dời đến nơi nào đó ổn định hơn. Chúng tôi sinh sống ở đây bây giờ đều nơm nơm nớp lo sợ vì nhà cửa xuống cấp. Hoặc nếu không được giải tỏa thì mong các cấp chính quyền cho phép người dân được xây dựng, sửa chữa nhà cửa".

Lãnh đạo UBND phường An Cựu (TP Huế) cho hay, các hộ dân trong An Lăng là cán bộ từng công tác tại các sở, ngành của tỉnh Bình Trị Thiên cũ (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), được cấp nhà từ 30 - 40 năm trước. Nhiều hộ dân bày tỏ mong muốn được quan tâm để di dời, tái định cư ổn định cuộc sống. "Phường cũng đã nhiều lần đề xuất chủ trương liên quan đến các hộ dân nhưng chưa thể thực hiện", lãnh đạo UBND phường An Cựu nói.

Còn trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, qua tiếp xúc cử tri, các hộ dân tiếp đã phản ánh về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay dự án di dời dân cư Khu vực 1 Kinh thành Huế không có khu vực này. "Kế hoạch đi dời cần có phải phối hợp nhiều đơn vị cấp tỉnh nữa vì liên quan đến hiện trạng sử dụng đất...", ông Bằng nói.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn