Nhiều hệ lụy nghiêm trọng từ việc mang thai ở tuổi vị thành niên

01-12-2023 10:16 | Y tế

SKĐS - Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.

Vị thành niên là lứa tuổi đặc thù. Các em ham hiểu biết, tìm tòi cái mới, muốn khẳng định bản thân trong khi kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản hạn chế dễ dẫn tới các hành vi nguy cơ về sức khỏe như: mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, mắc vào tệ nạn xã hội...

Mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên đáng báo động

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên Việt Nam độ tuổi 10-24 năm 2016 cho thấy ngày nay vị thành niên, thanh niên được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, dễ dàng hơn.

Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như internet, truyền hình và tin nhắn trên điện thoại di động nhưng chỉ có 1/3 số đó sử dụng internet để tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Việc thiếu kiến thức liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục khiến vị thành niên có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cao.

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng từ việc mang thai ở tuổi vị thành niên- Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho vị thành niên những kiến thức về sức khoẻ sinh sản tránh những hệ lụy không mong muốn. Ảnh TL

Theo kết quả "Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021" do Tổng cục Thống kê và UNICEF thực hiện cho thấy, trên phạm vi cả nước, tỷ suất sinh con vị thành niên cao nhất ở nhóm phụ nữ sống tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi tập trung đông các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tỷ suất sinh con vị thành niên cao nhất ở nhóm phụ nữ không có bằng cấp (235) và thấp nhất ở nhóm phụ nữ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Kết quả điều tra cũng cho thấy tỷ suất sinh con vị thành niên có liên hệ chặt chẽ với mức sống: tỷ suất sinh con ở nhóm hộ nghèo nhất là 106 so với 10 trẻ em ở nhóm giàu nhất.

Kết quả Điều tra cũng cho thấy có 0,1% phụ nữ từ 15-49 tuổi sinh con trước 15 tuổi. Ở nhóm phụ nữ từ 20-49 tuổi, có 4,2% sinh con trước tuổi 18. Theo nhóm tuổi, tỷ lệ phụ nữ sinh con trước 18 tuổi cao nhất ở nhóm phụ nữ từ 20-24 tuổi. So với phụ nữ, xu hướng làm cha sớm ở nam giới thấp hơn nhiều. Tỷ lệ nam giới từ 20-49 tuổi làm cha trước 15 tuổi là không đáng kể và trước 18 tuổi thấp hơn 1%.

Các chuyên gia nhận định, mang thai ở tuổi vị thành niên gây ra nhiều bất lợi đối với sức khỏe và cuộc sống sau này.

Nguy cơ khi giữ thai và sinh đẻ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Tỷ lệ nhiễm độc thai nghén cao.

Cùng với đó, trong lúc sinh còn có nhiều nguy cơ băng huyết, đẻ khó, phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật. Bị tổn thương ở tử cung, âm đạo, âm hộ do sinh con ở tuổi do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh. Dễ bị suy nhược toàn thân sau sinh.

Mặt khác, tỷ lệ tử vong trẻ em sinh ra do các bà mẹ tuổi vị thành niên trong năm đầu cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành.

Về mặt kinh tế – xã hội, khi có thai ở tuổi vị thành niên phải gián đoạn việc học hành, khó khăn về kinh tế và không kiếm được việc làm, dẫn trẻ vị thành niên vào con đường bế tắc.

Hạnh phúc gia đình có thể bị rạn nứt, dễ lâm vào cảnh éo le, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ vị thành niên. Tỷ lệ ly dị cao, dễ bị phân biệt đối xử. Nhiều trường hợp bạn trai trốn tránh trách nhiệm, ruồng bỏ, gia đình và xã hội không chấp nhận dẫn đến mẹ vị thành niên dễ bị căng thẳng và khủng hoảng tâm lý.

Nguy cơ khi phá thai ở tuổi vị thành niên

Theo các bác sĩ, vị thành niên thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén nên thường đến cơ sở y tế để khám và can thiệp muộn, dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm như chảy máu nhiều, nhiễm khuẩn, rách tử cung, tắc vòi trứng, biến chứng sau một thời gian, vô sinh do tắc dính vòi tử cung..., thậm chí tử vong. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái 15-19 tuổi.

Bên cạnh đó, do tâm lý muốn che giấu, vị thành niên có thể tìm đến các cơ sở dịch vụ phá thai bất hợp pháp (phá thai "chui"), không đảm bảo điều kiện vô khuẩn, thậm chí không được phép thực hiện kỹ thuật phá thai, gây ra hậu quả nghiêm trọng; do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lo sợ nên việc phá thai ở vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành.

Mặt khác, hậu quả về tình cảm và tâm lý của việc phá thai ở vị thành niên cũng có thể rất nghiêm trọng. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể nặng nề và kéo dài. Một số vị thành niên có thể cảm thấy tội lỗi, hối tiếc hoặc buồn bã. Tuy nhiên, đáng tiếc là không nhiều trẻ thành niên được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ, chẳng hạn như tư vấn hoặc trị liệu, nếu cần.

Các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa khuyến cáo, tốt nhất là không nên quan hệ tình dục trước tuổi 20 đối với nam và trước 18 tuổi đối với nữ. Vì nam giới dưới 20 tuổi, nữ giới dưới 18 tuổi cơ thể chưa phát triển một cách hoàn thiện. Hơn nữa, về mặt tâm lý cũng chưa phát triển ổn định, chưa có sự chuẩn bị về thể chất, tâm lý, kiến thức sinh sản và giới tính nên quan hệ tình dục sớm sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường về sau.

Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm.

Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.


Nguyễn Mai
Ý kiến của bạn