Hiện nay, 1 số địa phương trên cả nước đã triển khai thí điểm việc cho học sinh THCS và học sinh THPT nghỉ học vào ngày thứ 7. Ở Nghệ An, đã có 1 số trường THCS ở TP. Vinh và các huyện miền núi cũng đang triển khai thực hiện. Vậy có nên cho học sinh ở bậc THCS và THPT nghỉ học vào thứ 7 hay không? Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Làm được nếu có giải pháp linh hoạt
Lâu nay, học sinh phổ thông vẫn học 6 ngày trong tuần, liên tục từ thứ 2 đến thứ 7. Chính vì thế, việc đề xuất cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ 7 đang được nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng tình.
Nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh ở Nghệ An cho rằng, nếu được nghỉ học ở trường cả 2 ngày cuối tuần sẽ có thêm thời gian để thư giãn, học thêm các kỹ năng mềm và cũng sẽ chuẩn bị tốt hơn cho tuần học mới.
Tại Nghệ An, 1 số trường THCS ở TP. Vinh và một số huyện miền núi đã "nói không" với việc học chính khóa vào ngày thứ 7. Ví dụ ở TP. Vinh có 4 trường như THCS Hưng Bình, Đội Cung, Hưng Hòa và Nghi Ân. Còn ở các huyện miền núi như huyện Con Cuông có 7/12 trường và huyện Tương Dương có 4 trường…
Bắt đầu từ năm học 2023-2024, trường THCS Đội Cung (TP. Vinh) thực hiện nghỉ dạy học vào thứ 7 để giáo viên và học sinh được nghỉ 2 ngày cuối tuần trọn vẹn. Để bố trí nghỉ học vào ngày thứ 7, trước đó Ban giám hiệu nhà trường cũng đã lên kế hoạch khá chi tiết. Bà Hồ Thị Hồng – Phó hiệu trưởng trường THCS Đội Cung cho hay, nhà trường rất đồng tình với việc nghỉ dạy vào 2 ngày cuối tuần để tất cả mọi người có thêm thời gian cho bản thân mình và người thân.
Lúc đầu nhà trường bố trí học sinh học thêm vào buổi chiều ngày thứ 2, thứ 3 và thứ 4 nhưng thấy không ổn, sau đó quyết định học chiều thứ 6. Buổi chiều, trường bố trí nội dung học nghiêng về hoạt động trải nghiệm, năng khiếu. Hiện nay, việc dạy và học của trường đã đi vào nề nếp, ổn định.
Đồng tình quan điểm với bà Hồng, bà Bành Thị Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Ân (TP. Vinh) cho rằng, nghỉ học chính khóa vào thứ 7, học sinh và giáo viên có thêm nhiều thời gian cho gia đình. Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 2 nhà trường cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 và các em sẽ học thêm buổi chiều thứ 3 trong tuần để đảm bảo đủ số tiết theo đúng quy định. Việc triển khai trước tiên là từ nguyện vọng của giáo viên và sau đó được phụ huynh đồng ý vì phù hợp với thực tế của nhà trường.
"Qua 2 năm triển khai, việc nghỉ học vào 2 ngày cuối tuần, giáo viên có điều kiện và thời gian để chăm sóc gia đình, chuẩn bị tốt các bài giảng cho tuần học tới. Về phía học sinh và phụ huynh cũng được giảm tải, các em có thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoài nhà trường hoặc dành thời gian để học thêm các môn học khác…", bà Hà nói.
Ông Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn (H. Kỳ Sơn), cũng cho rằng, nếu toàn trường học một chương trình thì việc thực hiện sẽ khả thi. "Nhà trường đồng tình với chủ trương này, bởi hiện nay trường có nhiều giáo viên đang dạy xa nhà. Nên nhà trường đang phải bố trí thời khóa biểu phù hợp để tạo điều kiện cho giáo viên về với gia đình 2 ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng đang đi học xa, các em rất muốn được về nhà vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật…", ông Tảo nói.
Tuy nhiên, theo ông Tảo: "Thời điểm này, tôi nghĩ chưa phù hợp, bởi các trường THPT, hiện đang tổ chức dạy học 2 chương trình. Với học sinh lớp 12, các em đang học theo chương trình cũ 30 tiết/tuần nên khó có thể tăng tiết trong các buổi học. Ở lớp 10 và 11, các em theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với 28 tiết/tuần. Lịch học này nếu kéo dài các buổi lên 5 tiết/tuần thì có thể thực hiện được (nhà trường sẽ tổ chức thêm một số tiết học ngoại khóa vào các buổi chiều). Nhưng phương án này chỉ có thể thực hiện khi toàn trường tổ chức dạy học cùng một chương trình" - ông Tảo cho biết thêm.
Trước khi đưa phương án này vào thực tế, các trường học cũng cần phải cân nhắc phương án phù hợp vì đặc thù chương trình học số lượng kiến thức ở mỗi cấp học là khác nhau. Phương án nghỉ học ngày thứ 7, được xem là khả quan với cấp tiểu học và THCS nhưng với cấp THPT thì cần phải xem xét.
Mấy năm trước, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương thí điểm nghỉ học vào thứ 7 cho học sinh THCS và THPT. Trong đó nhấn mạnh, các nhà trường phải đủ điều kiện cơ sở vật chất và phải bảo đảm việc sắp xếp, điều chỉnh chương trình cho phù hợp. Vì vậy, Bộ GD&ĐT giao quyền cho các nhà trường tùy vào thực tế để chủ động quyết định học hay nghỉ vào thứ 7.
Có thêm thời gian nghỉ ngơi, tự học...
Là học sinh của trường THCS Đội Cung, em Lê Hà My cho biết, "Em thấy được nghỉ thứ 7 hợp lý. Trong tuần phải học thêm 1 buổi chiều nhưng bù lại được nghỉ thứ 7, bọn em được chơi với các em, bố mẹ, tham gia các hoạt động năng khiếu, nghệ thuật như vẽ tranh, đánh đàn…".
Anh Nguyễn Đức Anh có con trai học tại trường THCS Đội Cung thấy thuận tiện khi con có nhiều thời gian tự học và nghỉ ngơi trọn vẹn 2 ngày cuối tuần. "Việc cho học sinh nghỉ học thứ 7 cũng nên được nhiều trường học cân nhắc. Các con có thể làm những điều mình thích và không bị áp lực vì học quá nhiều.", anh Đức Anh nói.
Hay chị Nguyễn Thùy Dung có con trai học lớp 9 tại trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh) cho rằng, đây là việc cần quyết định và thực hiện ngay. Trong khi bố mẹ được nghỉ 2 ngày cuối tuần thì con lại phải đi học, thấy nặng nề quá. Mong khi có quy định của nhà nước, các trường sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để tạo điều kiện cho học sinh nghỉ cuối tuần một cách trọn vẹn.
"Từ thứ 2 đến thứ 6 đưa con đi học không vấn đề gì nhưng cứ đến sáng thứ bảy là cả mẹ và con đều có tâm lý buồn buồn. Cứ nghĩ cảnh ba mẹ được nghỉ ở nhà còn con đi học thấy không thoải mái chút nào. Chỉ mong quy định này nhanh chóng được thông qua để nhiều gia đình cùng có không khí vui vẻ trong những ngày cuối tuần.", chị Dung nói.
Còn em Trần Trung Dũng, học sinh trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh), chia sẻ: "Có những khi vào Facebook thấy bạn bè đi chơi với gia đình, con thấy thích quá. Ước gì được nghỉ ngày thứ 7, và không phải học thêm các buổi chiều ở trường để vừa có thời gian tự học, vừa có thời gian tham gia nhiều hoạt động thể thao khác như bóng đá, bóng rổ…".
Ông Nguyễn Trọng Hào – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nga My (H.Tương Dương) bày tỏ quan điểm, nghỉ học thứ 7 sẽ đem đến nhiều lợi ích cho các trường bán trú. Trường chúng tôi và một số trường nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương đang bố trí nghỉ học 2 tuần/lần vào thứ 7. Những tuần này, chúng tôi sẽ bố trí thêm một buổi học vào buổi chiều để học bù cho học sinh.
Hiện, nhà trường không tổ chức học thêm, nên các buổi chiều thứ 7 học sinh chủ yếu chỉ đi lao động, sinh hoạt đoàn và bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo một số buổi cho học sinh yếu kém, nên nếu bố trí thêm 1 buổi chiều học chính khóa bù vào thứ 7 là khá dễ dàng.
"Với đặc thù của một trường bán trú, thì việc nghỉ thứ 7 đem đến 3 lợi ích. Đó là học sinh có thời gian để về thăm gia đình, nhà trường tiết kiệm được tiền ăn 4 ngày/tháng để bù vào tăng chất lượng các suất ăn khác trong tuần. Hơn nữa, nhà trường có hơn 50% giáo viên sống xa gia đình, nhiều người vẫn đang phải gửi con ở miền xuôi. Vì vậy, nếu kéo dài ngày nghỉ, họ sẽ có thêm nhiều thời gian hơn cho con cái và chăm sóc gia đình", ông Nguyễn Trọng Hào chia sẻ thêm.