Nhức nhối bạo lực gia đình do bất bình đẳng giới
Quảng Ninh hiện có tổng số trên 485.000 phụ nữ và trẻ em gái, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải chịu thiệt thòi so với nam giới do tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xảy ra 1.056 vụ bạo lực giới, trong đó có 885 nạn nhân là phụ nữ bị bạo hành gia đình. Các cơ quan chức năng đã giải cứu, tiếp nhận 215 nạn nhân bị buôn bán trở về là phụ nữ và trẻ em; xử lý hình sự 123 đối tượng, xử lý hành chính 23 đối tượng gây bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Riêng trong năm 2020, Công an tỉnh đã phát hiện 10 vụ liên quan đến hành vi bạo lực gia đình, đã xử lý hình sự 05 vụ, xử lý hành chính 05 vụ; Phát hiện 26 vụ xâm hại trẻ em (30 trẻ em bị xâm hại)...
Nhiều mô hình ứng phó, phòng ngừa hiệu quả
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động về bình đẳng giới, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Giai đoạn 2016-2020, với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và các địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai 25 mô hình bình đẳng giới tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Thành lập 56 câu lạc bộ Hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, 76 Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh, 28 số điện thoại đường dây nóng ở cấp xã.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai 11 mô hình thí điểm về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (giai đoạn 2021-2023) tại 10 huyện, thị xã, thành phố.
Thông qua sinh hoạt mô hình, nhận thức của các thành viên thay đổi rõ rệt. Phụ nữ được cải thiện về nhiều mặt và được nâng cao vai trò, nam giới có sự ủng hộ và chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt hơn vai trò người chồng, người cha trong gia đình. Bên cạnh đó, việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn, các thành viên có nhiều cơ hội trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội.
Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước được lựa chọn triển khai thí điểm dự án Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ với tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng.
Ngôi nhà Ánh Dương trực thuộc Trung tâm Công tác xã hội - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2020. Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng…
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những trường hợp được nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà Ánh Dương tư vấn qua tổng đài đã có sự cân bằng tâm lý, biết cách xử lý, ứng xử khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra trong gia đình mình. Đối với những trường hợp tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương, đã được các bác sĩ và nhân viên công tác xã hội tại đây khám y tế ban đầu, tiến hành cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và thực hiện các buổi tham vấn tâm lý; cung cấp các kiến thức về bình đẳng giới, quyền con người và một số kỹ năng ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong tình huống khẩn cấp...
Sau thời gian tạm lánh, tâm lý các nạn nhân đã có những chuyển biến tích cực, được Trung tâm công tác xã hội tỉnh chuyển về địa phương, được kết nối để các cơ quan đơn vị chức năng thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp theo quy định của pháp luật. Một số trường hợp đã được kết nối tạo việc làm để ổn định đời sống. Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà Ánh Dương tiếp tục theo dõi và hỗ trợ nạn nhân giải quyết các vấn đề phát sinh khi cần thiết.
Có thể thấy, các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống bạo lực giới trên địa bàn tỉnh. Để tạo dựng một xã hội ngày càng văn minh, cuộc sống của người dân ngày càng hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu và bình đẳng.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà