Nhiều giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với hạn mặn

14-06-2024 10:41 | Xã hội
google news

SKĐS - Các chuyên gia đánh giá, thực trạng ô nhiễm hạn mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang rất nghiêm trọng, cần có các giải pháp khoa học công nghệ đặc thù, có tính khả thi cao, phù hợp với tự nhiên để khắc phục.

47 công trình nhận giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ năm 202347 công trình nhận giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ năm 2023

SKĐS - Các công trình công nghệ nghiền khô siêu mịn sản xuất gạch ngói cao cấp, sản xuất nhựa polyester không no làm đá nhân tạo hay giống cà phê vối lai... được vinh danh giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam tối 30/5.

Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt

Sáng ngày 14/6, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Công bố chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận…. 

Nhiều giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với hạn mặn- Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị Giao ban khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Công bố chỉ dẫn địa lý một số sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre.

Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã ngày càng gắn với thực tiễn sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả vùng. Tuy vậy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa. Vì vậy cần đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình trạng hạn, xâm nhập mặn, sạt lở đang diễn ra ngày càng khốc liệt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với cơ cấu sản xuất chính là nông nghiệp (lúa và cây ăn quả) và nuôi trồng thủy sản (tôm, cá), sinh kế người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu dựa vào nguồn nước nên biến động tài nguyên nước là rất nhạy cảm đối với sinh kế của người dân. Hơn nữa, biến động tài nguyên nước cũng gây ra những bất lợi cho hệ sinh thái đa dạng của vùng. 

Dữ liệu viễn thám cho thấy vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long có sự thay đổi nhanh trong thời gian vừa qua do tác động của hệ thống công trình thủy lợi, suy giảm lưu lượng phía thương lưu và nước biển dâng phía hạ lưu. 

Nhiều giải pháp khoa học công nghệ ứng phó với hạn mặn- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Hạn hán là một trong những thiên tai gây thiệt hại lớn đến môi trường sinh thái và kinh tế xã hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cường độ, thời gian và tần suất của các đợt hạn hán tăng lên từ năm 1985 đến năm 2018. Các đợt hạn hán diễn ra nghiêm trọng hơn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây. Hạn hán cực đoan đang có xu hướng bao trùm khắp vùng.

Xu thế gia tăng mực nước biển ven biển Đông và biển Tây cùng với sự suy giảm lưu lượng dòng chày từ phía thượng lưu, đặc biệt là những năm các hồ chứa lớn tích nước đã làm tình hình xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng hơn. Năm 2020 mặn đi sâu vào nội đồng hơn 100 km. 

Chỉ số chất lượng nước cho thấy có sự suy giảm chất lượng nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ giai đoạn 1995-2019 cho thấy vùng kênh rạch nội đồng bên trong đã và đang bị ô nhiễm với mức độ khác nhau bởi nước thải và chất thải không qua xử lý làm sạch từ các khu dân cư, các đô thị, khu công nghiệp…. Ngoài ra, nước mặt còn bị nhiễm chua phèn và bị nhiễm mặn ở vùng ven biển. Việc nghiên cứu các giải pháp ứng phó với hạn mặn là cần kíp hơn bao giờ hết, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học liên ngành.

Tại sự kiện, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre công bố tạo lập, bảo hộ xác lập quyền Chỉ dẫn địa lý 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre gồm sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu.

Giải pháp công nghệ xử lý hạn mặn

Tại hội thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đề xuất một số giải pháp và công nghệ phù hợp xử lý hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiện có nhiều công nghệ được đề xuất để xử lý hạn mặn như sử dụng hạt polyme siêu hấp thụ nước, chế tạo túi cao su mềm để lưu giữ nước ngọt, máy cấp nước từ không khí, xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO).

Hạt polyme siêu hấp thụ nước (Super Absorbent Polymer) có màu trắng ngà, tựa như màu ngọc trai. Khả năng hấp thu nước của hạt polyme này gấp từ 300 đến 400 lần so với trọng lượng của chính nó (trung bình 1kg có thể hấp thụ đến 350 lít nước). Khả năng lưu giữ nước của hạt polyme hấp thụ nước này kéo dài từ 6-12 tháng, thậm chí lâu hơn.

Ngoài ra có thể chế tạo túi cao su mềm để lưu giữ nước ngọt. Túi cao su mềm chứa nước là sản phẩm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Viện Nhiệt đới môi trường thực hiện, Bộ KH&CN cấp kinh phí. Túi cao su mềm chứa nước gồm 3 lớp, lớp trong cùng là nhựa PE để giữ an toàn chất lượng nước phục vụ cấp nước sinh hoạt, lớp giữa có tác dụng chịu lực, lớp ngoài cùng chịu tác động của thời tiết, tránh lão hóa (nắng, mưa, UV …). Ngoài ra có thể xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ thẩm thấu ngược (RO); Máy cấp nước từ không khí.

TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bị biến đổi mạnh mẽ theo hướng bất lợi và ngày càng nghiêm trọng hơn do phát triển hồ chứa thượng lưu, biến đổi khí hậu và nước biển dâng có thể diễn ra nhanh hơn dự báo. Tốc độ phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng gây ra nhiều tác động đến môi trường nghiêm trọng hơn so với những đánh giá tác động ban đầu. Do đó, xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn Đồng bằng sông Cửu Long, là rất cần thiết hiện nay.

Một trong các công nghệ ứng phó với hạn mặn được các chuyên gia Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất là chuyển hóa phụ phẩm nông nghiệp thành carbon xốp làm điện cực cho thiết bị khử mặn nước tưới tiêu tại đồng bằng sông Cửu Long. Khử mặn theo công nghệ hấp phụ điện hóa (MCDI) đáp ứng được các yêu cầu trên do sử dụng công nghệ đơn giản, chi phí thấp và tiêu hao năng lượng thấp. 

Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cởi mở mang tính đối thoại, từ đó cùng nhau thống nhất hành động đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất ứng phó với hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu?Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu?

SKĐS - Các nhà khoa học, diễn giả khách mời kiến nghị giải pháp, định hướng trong quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 13/6.


Tô Hội
Ý kiến của bạn