Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa chia sẻ, hệ thống nhân viên y tế dự phòng ở địa phương luôn xem người bị HIV là bệnh nhân cần tư vấn, phục vụ họ một cách tốt nhất. Từ đó, giúp họ ổn định tâm lý, yên tâm điều trị. Đồng thời, các nhân viên y tế còn giúp những người có "H" xóa bỏ sự tự ti, tham gia nhiều hoạt động lành mạnh.
Các con đường lây nhiễm HIV và cách đề phòng lây nhiễm cũng được đặc biệt quan tâm, truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao để họ nắm bắt rõ.
Theo đánh giá của các chuyên gia phòng, chống HIV, bệnh này bên cạnh lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con thì người nghiện ma túy dùng bơm kim tiêm chung cũng là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay...do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Vậy nên, để phòng chống lây truyền HIV qua đường máu, phải thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu. Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo...phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế.
Hiện nay, nhiều phụ nữ không may nhiễm HIV ở Khánh Hòa đều đã được truyền thông cho hiểu rõ về căn bệnh này và được khuyên nên áp dụng biện pháp tránh thai. Trong trường hợp muốn có thai và sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng ngừa lây nhiễm HIV cho con. Sau khi sinh, nếu có điều kiện, nên cho trẻ dùng sữa công thức thay thế sữa mẹ để giảm nguy cơ lây nhiễm qua sữa mẹ. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đang làm tốt điều này, sẵn sàng tư vấn tận tình.
Bên cạnh tư vấn xét nghiệm, hướng dẫn phòng bệnh, những người đã mắc HIV ở Khánh Hòa được quan tâm chu đáo, giám sát chặt chẽ, động viên kịp thời để "vực" dậy tinh thần chiến đấu với bệnh tật cho họ. Bệnh nhân ngay từ tuyến huyện, xã đã được nhân viên y tế tiếp nhận tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ khi có nhu cầu.
Nhiều năm vật lộn với bệnh HIV/AIDS do bị lây từ người thân, chị B. bộc bạch: Có rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV là nạn nhân hoặc do công việc mà họ bị nhiễm bệnh, có những trường hợp người phụ nữ bị chồng mắc bệnh truyền sang, rồi đứa trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ...Do vậy, rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ để họ tránh cái nhìn cực đoan về cuộc sống và quan trọng hơn là giúp họ chiến đấu với bệnh tật. Mặt khác, nhận thức được thông tin đầy đủ về căn bệnh này, họ sẽ là tuyên truyền viên đắc lực về phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng, qua đó cũng giúp họ sống có ý nghĩa, tự tin và vui vẻ hơn.
Chị C., một bệnh nhân đã xóa bỏ được mặc cảm, chia sẻ: Lạc quan để điều trị theo đúng các phác đồ của ngành y tế nên sức khỏe được cải thiện và không còn hoang mang nữa. Đặc biệt, khi gặp những người cùng cảnh ngộ như mình, chị C. luôn động viên họ vượt lên nỗi chán trường, sợ hãi. Từ đó nắm chắc các biện pháp bảo vệ an toàn cho mình và người thân. Thực tế nhiều phụ nữ không may mắc HIV/AIDS không những đáp ứng tốt điều trị mà còn vươn lên làm ăn, lo liệu tốt cho bản thân và còn trợ giúp cho gia đình của mình. Việc phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS từ người đã nhiễm với người xung quanh không khó khăn nếu làm theo đúng các hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế.
Một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng chia sẻ, khi cầm kết quả xét nghiệm biết mình mắc bệnh HIV đều suy sụp, muốn sống biệt lập với mọi người. Thế nhưng nhờ các nhân viên y tế, các đồng đẳng viên tư vấn, thường xuyên nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, đồng thời giải thích cho hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị và thực hiện tốt việc phòng lây nhiễm cho người khác.
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh nhân viên y tế, hệ thống đồng đẳng viên ở Khánh Hòa hoạt động hiệu quả, tận tình với người có "H". Họ sẵn sàng tiếp cận người có "H" ở mọi khía cạnh để động viên tinh thần. Ngoài việc tư vấn trực tiếp còn triển khai tư vấn trực tuyến thông qua mạng xã hội và các kênh khác liên quan. Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, các sinh hoạt bổ ích cho những người có "H". Tất cả đều hướng đến các giải pháp chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Đông Hưng