Theo khảo sát của phóng viên, thời gian qua, ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều người dân ở khu vực nông thôn vào rừng, lên núi khai thác cây dược liệu bán lấy tiền. Trong đó chủ yếu là những cây dược liệu trong các bài thuốc Đông y của đồng bào dân tộc theo tiếng địa phương được gọi như: rễ cây mác náp, rễ cây nầm mò, vỏ cây mạy tảng, cây nhả đản, cây sói rừng, cây chiu cạt, cây ca liệng đeng, cây cẩu ngầu lực... Anh Lý Văn Thường ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: “Gia đình làm ruộng, dịp này nông nhàn tranh thủ vào rừng của nhà chặt lấy lá cây đem bán, mỗi kg được 1.500 đồng. Cây ở trong rừng nhà mình, nhưng mình mà không lấy thì người khác cũng lấy đi bán, nên khó trông lắm”. Điều đáng quan tâm hiện nay là những cây dược liệu quý làm thuốc Đông y đang ngày càng cạn kiệt do nhu cầu cao của người tiêu dùng. Anh Nông Văn Bảy (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) - một trong những hộ đã từng đi hái cây dược liệu về làm thuốc và bán ra thị trường cho biết: “Trước đây chỉ cần bước chân lên đến rừng là gặp cây thuốc để hái, nhưng bây giờ mà đi tìm thì khó rồi”.
Sơ chế dược liệu.
BS. Trần Văn Tuyến - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, một số cây dược liệu dùng để làm thuốc quý như củ bình vôi dùng chế thuốc an thần; cây hối hạc chữa bệnh đau khớp, đau lưng; kim ngân hoa giải độc, thanh nhiệt, chống viêm, kháng viêm. Hầu hết những cây dược liệu này đều mọc tự nhiên ở trong rừng hay trên núi đá. Nếu cứ khai thác mà không có sự bảo tồn thì Lạng Sơn sẽ mất đi nhiều loại cây thuốc quý bản địa, thậm chí một số cây đã cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng quan điểm này, ông Vy Văn Thư - Chủ tịch Hội Đông y huyện Chi Lăng lo lắng: “Do nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt nên những bài thuốc gia truyền của đồng bào dân tộc cũng đang mất dần đi vị cây thuốc quý”.
Rõ ràng, với việc khai thác quá mức như trên, nhiều cây thuốc trong rừng tự nhiên không còn khả năng phát triển để bảo tồn tái sinh. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng khai thác tràn lan và xuất bán cây dược liệu quý qua cửa khẩu biên giới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp để bảo tồn, lưu giữ nguồn gene các loại cây dược liệu. Tăng cường kiểm soát, xuất khẩu; tuyên truyền phổ biến cho người dân phương pháp thu hái dược liệu đúng mùa, đúng vụ, đảm bảo sự phát triển bền vững nguồn dược liệu.