Gần đây, nhiều động thái tích cực nhằm gìn giữ giá trị di sản, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan chức năng nước ta thực hiện để di sản, thắng cảnh là chính mình.
Mới đây, dư luận rất quan tâm sự việc các đơn vị liên quan tỉnh Ninh Bình đã tiến hành tháo dỡ phim trường Kong - Skull Island (Đảo đầu lâu), thuộc quần thể danh thắng Tràng An. Bởi đây là phim trường phục dựng theo phim Kong - Skull Island của Mỹ từng được quay ở Việt Nam, trong đó có Tràng An. Phim trường có làng thổ dân, mở cửa cho du khách đến tham quan miễn phí từ tháng 4/2017. Tại làng thổ dân này có khoảng 40 túp lều hình chóp nhọn như nhà của thổ dân châu Phi, cùng nhiều thuyền gỗ dài giống như thuyền mà thổ dân hay sử dụng. Bên cạnh đó còn có nhiều dụng cụ trong đời sống, sinh hoạt, các giá bằng tre của thổ dân giống đồ dùng của người dân vùng biển dùng để treo và phơi cá. Tất cả đều sử dụng vật liệu truyền thống như tre, nứa, gỗ... Kể từ khi đưa vào phục vụ du lịch, phim trường này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng làng thổ dân trong bộ phim bom tấn của Mỹ. Bên cạnh đó, khách du lịch mỗi khi đến với phim trường này thường chụp ảnh “check-in” để chia sẻ lên mạng xã hội, gián tiếp quảng bá hình ảnh Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An tới cộng đồng trong và ngoài nước.
Phim trường Kong - Skull Island tại danh thắng Tràng An phải tháo dỡ theo khuyến nghị của UNESCO.
Nhiều người dân và du khách bất ngờ vì phim trường Kong - Skull Island tại danh thắng Tràng An bị tháo dỡ, vì đây là điểm đến hút khách du lịch hơn hai năm qua. Tuy nhiên, đại diện Sở VH-TT tỉnh Ninh Bình cho biết, lý do tháo dỡ phim trường sau khi phục dựng và phục vụ miễn phí cho du khách đến tham quan di sản Tràng An, vì được UNESCO đưa ra khuyến nghị về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thế giới Tràng An. Theo đó, UNESCO khuyến nghị tỉnh Ninh Bình phải tháo dỡ phim trường vì phim Kong - Skull Island đã thực hiện xong và được công chiếu sau thời gian dài (2016). Việc dựng lại phim trường và sử dụng người dân đóng thổ dân ở phim trường để thu hút du khách, quảng bá cho di sản là không phù hợp.
Đồng thời, UNESCO khuyến nghị tháo bỏ phim trường để phù hợp với những giá trị của di sản, tránh sự hiểu lầm của khách du lịch đối với những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản tại Việt Nam. Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Hà Nội, nếu những sáng tạo liên quan đến phim Kong: Skull Island được đặt tại một khu giải trí ở phía ngoài, không phải vùng lõi di sản, kèm theo những chỉ dẫn cụ thể như đây là nơi từng đóng phim thì lại khác. Trong khi đó, tại Tràng An, không những phim trường cùng câu chuyện hư cấu được đưa vào vùng lõi, nó còn được biến thành một tour du lịch của khu di sản, thì không thể chấp nhận. Điều đó khiến du khách sẽ hiểu sai về di sản này. Một số người dân từ đó cũng cho rằng, việc tháo dỡ phim trường Kong - Skull Island tại Tràng An là đúng đắn, bởi hình ảnh về những chiếc lều, những thổ dân tại phim trường không phải gốc văn hóa bản địa, người dân tộc bản địa. Bởi phim trường nếu tồn tại lâu dài sẽ gây cho du khách sự hiểu lầm rằng chính những thổ dân đó, ngôi lều đó là giá trị của Tràng An.
Tương tự sự việc trên, đầu 2019, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu doanh nghiệp N.N. phải tháo dỡ phim trường xây dựng trái phép trong vùng lõi (vùng bảo vệ nghiêm ngặt của thắng cảnh) có tên gọi “Khu vườn bí mật) nằm trong danh thắng hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt). Theo đó, một doanh nghiệp đã dựng phim trường “chui” song cho hoạt động công khai tại di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm từ năm 2017.
Phim trường này có nhiều hạng mục công trình đã xâm phạm vùng lõi (vùng bảo vệ nghiêm ngặt của thắng cảnh) của danh thắng hồ Tuyền Lâm bao gồm 2 căn nhà tạm diện tích hơn 79,4m2 và 27,2m2, nhà chòi cạnh cổng ra vào phim trường, chuồng nuôi súc vật, nhà vệ sinh, bãi xe và hàng loạt cây cầu xâm phạm vùng lõi di tích quốc gia. Không những vậy, doanh nghiệp N.N. còn thu tiền vé vào tham quan tại công trình xây dựng xâm phạm danh thắng hồ Tuyền Lâm trái với quy định pháp luật. Với các hành vi sai phạm này, cơ quan chức năng TP. Đà Lạt đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp N.N., với tổng số tiền 70 triệu đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp phải tháo dỡ các công trình không phép, hoàn nguyên trả lại nguyên trạng danh thắng hồ Tuyền Lâm.
Không ít người cho rằng, việc phá dỡ và xử phạt các công trình vi phạm trong vùng lõi di sản, danh lam thắng cảnh kể trên là cần thiết và phải làm kiên quyết. Bởi lẽ, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới, bảo tồn giá trị của di sản một cách nguyên trạng là điều tiên quyết, vì con người can thiệp sẽ làm mất tính nguyên sơ. Tràng An hay danh thắng hồ Tuyền Lâm là một di sản quý, về vẻ đẹp thẩm mỹ và về địa chất - địa mạo, nên mọi tác động từ con người dù với mục đích gì ảnh hưởng đến giá trị di sản, thắng cảnh là không được.