Từ ngày 16/9, Bình Dương đã bắt đầu lộ trình "bình thường mới" theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (từ ngày 15/9 đến ngày 31/10/2021): Bình Dương ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc;
- Giai đoạn 2 (từ sau ngày 31/10/2021): Nếu đầu tháng 10/2021, Bình Dương hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh thì cuối tháng 10/2021 cơ bản tỉnh đạt miễn nhiễm cộng đồng;
- Giai đoạn 3 (từ sau ngày 31/12/2021): Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng" sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội.
Bên cạnh việc tỉnh Bình Dương cho phép "vùng xanh" được nới lỏng giãn cách để thuận tiện cho người lao động và phương tiện vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp lưu thông thì UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các doanh nghiệp triển khai chặt chẽ hơn công tác phòng dịch COVID-19. Việc sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Đến nay, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đã đăng ký sản xuất trở lại song song với việc đảm bảo y tế phòng dịch COVID-19. Trong 3 tháng qua có trên 3.000 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 350.000 lao động theo 2 phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 địa điểm".
Tỉnh Bình Dương cho phép các doanh nghiệp linh hoạt đăng ký thêm 2 phương án sản xuất "3 xanh" và "3 tại chỗ linh hoạt". Đến ngày 21/9, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 địa điểm," "3 xanh" với 264.621 lao động.
Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi trở lại "bình thường mới," đã có hàng trăm doanh nghiệp chuẩn bị tái khởi động sản xuất. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm đợt đầu tiên hoạt động "3 tại chỗ", doanh nghiệp muốn nối lại sản xuất, cần nâng cao biện pháp phòng, chống dịch và đảm bảo nhà máy "3 xanh".
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện tổ chức sản xuất trở lại trong trạng thái "bình thường mới" phải là doanh nghiệp xanh, không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly.
Để doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại thì phải tiến hành sàng lọc bảo đảm an toàn COVID-19 một cách triệt để. Thực hiện theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm với 100% người lao động tham gia thuộc "vùng xanh." Các doanh nghiệp chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất và được Sở Công Thương phê duyệt.
Bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc nhân sự Công ty Earth Corporation Việt Nam cho biết, toàn bộ hơn 150 công nhân lao động thuộc công ty vẫn duy trì phương án "3 tại chỗ" từ cuối tháng 6/2021 đến nay. Công ty cũng nắm được lộ trình "bình thường mới" của tỉnh đặc ra. Sau khi xem xét mọi vấn đề, công ty vẫn duy trì thực hiện "3 tại chỗ". "Toàn bộ công nhân lao động trong công ty đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 1. Hiện chúng tôi đang chờ để được tiêm mũi 2. Với tình hình dịch bệnh hiện tại công ty vẫn duy trì phương án "3 tại chỗ" để đảm bảo an toàn sức khỏe và sản xuất ổn định cho người lao động", bà Linh cho hay.
Tại Khu công nghiệp VSIP Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện phương án "3 tại chỗ" từ giữa tháng 7/2021 đến nay. Đa số các doanh nghiệp duy trì "3 tại chỗ" đã ổn định khi thành phố đưa ra các phương án sản xuất mới, họ vẫn giữ nguyên.
Chị Nguyễn Thị Hoa đang là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Vsip Bình Dương chia sẻ, toàn công ty đã thực hiện "3 tại chỗ" được nhiều tháng nay. Hiện tại công nhân lao động chưa thấy công ty thông báo thay đổi gì về phương án sản xuất. Chị Hoa cho biết: "Chúng tôi đã quen với mô hình "3 tại chỗ" vì thế, nếu thay đổi phương án mới công nhân lại mất thời gian đầu để thích nghi. Hơn nữa, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chúng tôi mong muốn được an toàn".
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.