Hà Nội

Nhiều điểm sáng trong công tác xã hội, cai nghiện ma túy ở Lai Châu

03-11-2022 07:55 | Thời sự

SKĐS - Xác định công tác phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng là nhiệm vụ cấp bách, tỉnh Lai Châu đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Gian nan hành trình cai nghiện

Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu) hiện đang tổ chức cai nghiện, giáo dục cho gần 100 người lầm lỗi. Người đầu tiên chúng tôi gặp và tiếp xúc là anh Vàng Văn Hoàn ở bản Đồng Tâm (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường).

Nhìn cách anh khéo léo chăm sóc vườn rau ít ai ngờ anh từng nghiện ma túy 20 năm. Anh nghẹn ngào nhớ lại: "Ngày trước người dân truyền tai nhau làm thuê ở bãi vàng Chinh Sáng (xã Khun Há) kiếm được rất nhiều tiền, vì vậy mình bàn với vợ vào đó làm với mong muốn thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, nông nổi nên mình bị bạn bè rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện ma túy. Làm được đồng nào, đều mua ma túy, có lúc không có tiền còn về bán các đồ vật trong nhà, bao nhiêu của cải vợ chồng tiết kiệm đều "đội nón ra đi".

Được gia đình khuyên răn, địa phương, công an huyện đưa lên trung tâm để từ bỏ ma túy. 6 tháng cai nghiện, ngoài được cán bộ quan tâm, dạy bảo tận tình, mình còn được học nghề xây dựng, vui chơi thể thao, đọc sách báo để nâng cao hiểu biết. Mình sẽ cố gắng cai nghiện thật tốt đợi ngày về với vợ con làm lại cuộc đời".

Nâng cao năng lực hoạt động cai nghiện ma túy ở Lai Châu - Ảnh 1.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện ở tỉnh Lai Châu đã có những chuyển biến tích cực.

Còn với vợ chồng anh Hảng Già Khớ ở bản Cô Lô Hồ (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè), những ngày tháng chìm đắm trong "khói thuốc trắng" (anh 10 năm nghiện thuốc phiện còn vợ mới nghiện 2 năm) đã khiến gia đình tan nát, các con khổ sở. Anh Khớ tâm sự: "Lúc đầu chỉ có mình nghiện nhưng nhiều lần vợ đi làm nương về kêu đau lưng, đau bụng nên cho vợ dùng thử thấy không đau nữa. Lâu dần vợ nghiện lúc nào không biết. Cuộc sống đã nghèo lại càng túng quẫn hơn, trung bình mỗi ngày vợ chồng tôi mất một trăm nghìn đồng mua thuốc để hút. Thời gian đầu mới vào trung tâm, ngày đêm vợ chồng mình quằn quại trong cơn thèm thuốc nhưng nghĩ tới 5 con đang bơ vơ ở nhà lại quyết tâm vượt qua. Sau 2 tháng, được giáo dục nhận biết tác hại ma túy, hướng dẫn lao động, giúp đỡ cắt cơn nên mình đã dần đoạn tuyệt với ma tuý, quyết tâm làm lại cuộc đời".

Ông Mai Văn Tùng - Giám đốc Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh Lai Châu cho biết: "Để giúp học viên bỏ được ma túy là quá trình gian nan, vất vả; giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc là khó khăn nhất. Trung tâm chia các đối tượng thành 3 nhóm: Nhóm mới vào, nhóm ổn định, nhóm chuẩn bị rời trung tâm nhằm tư vấn, giáo dục và chữa trị. Trong đó tập trung ở nhóm mới vào, khi đối tượng mới vào, trung tâm cho uống thuốc cắt cơn nghiện từ 3 đến 5 ngày. Sau đó chuyển sang giai đoạn phục hồi sức khỏe bằng cách cho học viên nghỉ ngơi, đọc sách báo, xem tivi. Khi đã ổn định về mặt tâm lý, sức khỏe thì cho đi lao động. Trung tâm giáo dục, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi, lối sống được trung tâm đặt lên hàng đầu. Qua khảo sát, kiểm tra, sau khi điều trị tại trung tâm, tỷ lệ không sử dụng lại ma túy đạt trên 90%".

Ngoài các đối tượng cai nghiện tại Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc, hiện nay toàn tỉnh có 2.040 người tham gia điều trị bằng thuốc thay thế Mathadone, 630 người cai nghiện tại cộng đồng. Hình thức cai này có nhiều điểm thuận lợi, giảm chi phí cho Nhà nước và bản thân. Sau một thời gian điều trị, không có trường hợp biến chứng bất thường, bệnh nhân cải thiện sức khỏe, giảm gánh nặng cho gia đình.

Nâng cao năng lực hoạt động cai nghiện ma túy ở Lai Châu - Ảnh 2.

Các địa phương ở tỉnh Lai Châu triển khai chương trình cai nghiện ma túy bằng Methadone.

Đoạn tuyệt ma túy để làm lại cuộc đời

Tại cơ sở cấp phát thuốc Methadone (Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ), anh Nguyễn Đình H. (bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn) chia sẻ: "Hơn 10 năm nghiện ma túy tôi cứ nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết bởi hàng ngày phải đối diện với việc kiếm đủ tiền mua ma túy về sử dụng. Năm 2014, khi Trung tâm Y tế huyện triển khai chương trình cai nghiện ma túy bằng Methadone, tôi được cán bộ y tế của Trung tâm đến nhà tuyên truyền, vận động đi cai. Từ khi tham gia điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone, tôi mới cảm thấy sức khỏe của mình tốt hơn rất nhiều. Điều đáng mừng là không phải lo kiếm tiền để mua ma túy, tôi có thời gian để tham gia lao động sản xuất, phụ giúp gia đình. Hiện gia đình tôi đang trồng và chăm sóc hơn 1ha rừng, nuôi 2 con lợn nái sinh sản, hơn 200m2 ao thả cá các loại và 150 con chim bồ câu, gà, ngan, ngoài ra tôi còn nấu rượu để phục vụ người dân trong xã, bản… Thu nhập bình quân sau khi trừ tri phí, gia đình tôi thu về hơn 50 triệu đồng/năm".

Từ một hộ nghèo của bản Nậm Cáy, giờ gia đình anh H. đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, có nguồn thu nhập ổn định. Niềm vui lớn nhất là vợ và 3 người con khi thấy sức khỏe của anh ngày càng ổn định, tích cực lao động sản xuất, sống lạc quan và có niềm tin hơn. Anh H. hiện đang sử dụng liều thấp nhất và anh cũng hứa với bản thân rằng, sẽ tích cực điều trị để sớm đoạn tuyệt với với ma túy trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Tiếp tục tìm về bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những ngôi nhà mái lợp tôn mọc lên san sát, bên cạnh là những nương ngô, vườn rau lên xanh mơn mởn. Cuộc sống dù chưa đủ đầy nhưng với một bản vừa vượt qua được cơn "bão" ma túy, thì đó là cả một sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương và đồng bào nơi đây, để một cuộc sống mới được hồi sinh trên miền đất khó.

Chị Pàn Thị Nghĩa – người vừa trở về sau 8 năm sống phụ thuộc vào "nàng tiên nâu" tâm sự: "Nhớ lại những ngày chìm đắm trong ma túy, mình chả thiết gì kể cả gia đình, con cái, mỗi ngày mới chỉ nghĩ đến việc làm gì để có ma túy sử dụng. Nếu không có cán bộ đến giúp mình cai nghiện không biết đời mình sẽ đi về đâu nữa. Mình cám ơn các cán bộ nhiều lắm. Nhờ có thuốc Methadone, mình không còn khổ vì nghiện thuốc nữa và thấy thương các con nhiều lắm. Mình hứa sẽ uống thuốc đều để đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời và chăm lo cho gia đình".

Thảo Phượng
Ý kiến của bạn