Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình GDPT mới 2018. Thí sinh sẽ chỉ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Môn Ngữ văn vẫn sẽ thi theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và Viết (6 điểm). Các môn còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Chia sẻ tại một buổi tư vấn cho học sinh lớp 12 mới đây, ThS. Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay chắc chắn khó hơn so với các đề thi năm trước, tập trung rất nhiều vào kiến thức vận dụng, kiến thức và thực tế. Ngoài kiến thức trong chương trình, còn nhiều kiến thức vận dụng với các câu hỏi để giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội. Vì vậy, các em cần lưu ý trong quá trình học tập, không chỉ cần học để biết, học thuộc lòng như ngày xưa nữa, mà phải hiểu tại sao cần áp dụng kiến thức vào thực tế".
Năm nay, việc xét tốt nghiệp xét 50% kết quả học tập THPT và 50% điểm thi tốt nghiệp, thí sinh cần phải chuẩn bị thật kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Về những điểm mới trong xét tuyển đại học năm nay, ThS. Hoàng Thúy Nga cho biết, năm nay do sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh đại học cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Các trường đại học hoàn toàn chủ động và tự chủ trong công tác tuyển sinh của mình. Đây là một trong những vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý rất rõ, các trường hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện phương thức tuyển sinh của mình, nên hiện vẫn có rất nhiều phương thức và hình thức xét tuyển khác nhau.
"Điểm mới trong tuyển sinh năm 2025 đó là để đảm bảo tính công bằng, minh bạch hơn, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công bố điểm quy đổi của tất cả các tổ hợp môn xét tuyển. Các năm trước, các trường sẽ dành chỉ tiêu riêng cho từng công thức xét tuyển, từng tổ hợp môn. Nhưng năm nay, bộ đã yêu cầu quy đổi điểm chung cho tất cả các phương thức đó.
Các trường có thể sử dụng nhiều phương thức, nhưng phải quy đổi điểm về một điểm chung. Do đó, các em sẽ được xét tuyển theo điểm quy đổi đó, và điểm quy đổi này các trường sẽ phải dự kiến công bố trong đề án tuyển sinh của nhà trường.
Bên cạnh đó, trong tổ hợp xét tuyển, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố ngoài các môn Toán và Ngữ văn là môn bắt buộc trong tổ hợp xét tuyển, các môn chung phải chiếm tối thiểu 50%. Các môn chung, có nghĩa là trong các tổ hợp xét tuyển đó, phải có ít nhất hai môn là môn chung hoặc một môn có hệ số để đảm bảo 50% tổ hợp xét tuyển.
ThS. Hoàng Thúy Nga cho biết thêm: "Một điểm quan trọng nữa là liên quan đến việc xét tuyển sớm. Thay đổi này là do các năm trước, các trường tổ chức xét tuyển sớm rất nhiều và có thời gian rất khác nhau. Các em sẽ phải theo đề án tuyển sinh của các trường theo quy định của nhà trường. "Hiện nay quy chế tuyển sinh đại học còn đang dự thảo, chưa được ban hành chính thức. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định hạn chế tỉ lệ xét tuyển sớm và việc xét tuyển này chỉ dành cho những đối tượng học sinh xuất sắc, có thành tích vượt trội".