Nhiều dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu – đông có nguy cơ bùng phát

27-09-2016 20:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều nay, ngày 27/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu – đông. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Việt Nam các bệnh nguy hiểm và mới nổi như Ebola, Mers, Zika, sốt xuất huyết luôn có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đáng lo ngại, một số dịch bệnh đã khống chế được lại có nguy cơ đang quay trở lại.

Nhiều dịch bệnh mới nổi, có những dịch bệnh đang quay trở lại

Tại đầu cầu Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các dịch bệnh mới nổi như Ebola, Mers, Zika và bệnh do véc tơ truyền bệnh gây sốt xuất huyết bùng phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

Bệnh dịch Zika lưu hành có thể tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Hiện Việt Nam mới phát hiện 3 ca nhiễm Zika và chưa có ca bệnh nào tử vong. Cho đến giờ chưa xuất hiện thêm trường hợp nào mới ngoài 3 trường hợp đã từng phát hiện tại Phú Yên, Khánh Hòa và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.


“Ngay như bệnh bạch hầu vốn từ rất lâu không xuất hiện nay lại “có mặt” và thành dịch ở một số tỉnh phía bắc miền núi và Bình Phước. Sự trở lại của bạch hầu cũng cho thấy lỗ hổng công tác tác tiêm chủng”, bà Tiến khuyến cáo.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh đó, nhiều bệnh dịch khác cũng có nguy cơ bùng phát dịch cao như bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp từ giờ đến hết mùa mưa, địa phương lưu hành bệnh đáng lưu ý nhất là các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Cần tuyên truyền để người dân luôn có ý thức ngăn chặn môi trường sống của muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết bằng cách lật úp các vật dụng, phế thải bị ứ đọng nước mưa.

Bệnh cúm AH1N1 chuẩn bị vào mùa thu đông, đang tăng một số ca ở một số tỉnh, là cúm thương hàn. Mặc dù đây là cúm mùa nhưng nếu chủ quan vẫn có gây tử vong.

Bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ gia tăng trong mùa tựu trường. “Các bệnh có vắc xin tiêm chủng phòng bệnh cũng ghi nhận rải rác trường hợp mắc tại các tỉnh thành phố, tuy nhiên, đặc biệt lưu ý các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng”, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, dịch bệnh gia tăng nguyên nhân là do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu hiện tượng elnino, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, chu kỳ dịch, vệ sinh môi trường (dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước) người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và khó khăn về kinh phí.

Ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự Phòng cho biết, có nhiều dịch bệnh mới nổi và dịch bệnh mùa thu đông đe dọa bùng phát


Phát biểu tại buổi trực tuyến, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự Phòng cho biết, hiện nay, có 63 bệnh truyền nhiễm nhưng có một số bệnh chính có nguy cơ xâm nhập, bùng phát đặc biệt là dịch mới nổi và dịch thu đông.

Về dịch bện Zika: Có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, dịch lưu hành ở Châu Mỹ, Đông Nam Á, đặc biệt tăng nhanh ở Singapore, Thái Lan, 20 quốc gia vùng lãnh thổ có triệu chứng đầu nhỏ như BRX, Mỹ, Colompia. Hiện nay Viện paster lấy 3000 mẫu có 3 trường hợp dương tính với vi rút zika.

Việt Nam đứng ở con số 71/100 nghìn dân đối với sốt xuất huyết, tỷ lệ này thấp hơn các nước Châu Á. Việt Nam ghi nhận 72 nghìn trường hợp bị sốt xuất huyết tại 52 tỉnh thành, số ca mắc tăng so với cùng ký năm trước. Các địa phương như: TP.HCM, Gia Lai, Khánh Hòa, Tây Nguyên có số người mắc cao hơn các năm trước.

Về bệnh tay – chân – miệng: Số mắc tăng ở các quốc gia như Trung Quốc, Singapo nhưng Việt Nam có số ca mắc giảm 16 % so với với cùng kỳ giai đoạn 2011- 2012. Năm 2016 chưa có trường hợp nào tử vong do tay chân miệng. Tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong do cúm gia cầm.

Về sốt rét: Hiện trên Thế giới có 3,1 tỷ người có nguy cơ sốt rét, tại Việt Nam ghi nhận 3360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong tại Phú Yên và TP.HCM, so với 2015 giảm 52 %. Đáng chú ý, ở Khánh Hòa, Gia Lai có tình trạng sốt rét kháng thuốc.

Hiện có 10 tỉnh có số mắc sốt rét cao như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Đắc Lắc, Đắc Nông, Quảng Bình, Lâm Đồng, Quảng Nam.

Ông Phu cũng cho biết, về Tiêm chủng: Duy trì tốt tỷ lệ tiêm chủng. Tại Việt Nam giữ vững thành quả thanh toán bại liệt. Số trẻ nhiễm sởi giảm sau dịch sởi 2014. Viêm não vi rút giảm so với 2015.

Theo ông Phu, như vậy, đến nay Việt Nam đã ngăn ngừa các dịch bệnh mới nổi, các bệnh lưu hành giảm tỷ lệ mắc và tử vong so với các nước trong khu vực như sốt xuất huyết…

Cảnh báo sốt rét kháng thuốc

Theo ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, tại Việt Nam ghi nhận 3.360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét và 3 trường hợp tử vong tại Phú Yên và TP.HCM, so với 2015 giảm 52%. 10 tỉnh có số mắc cao như Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Đắc Lắc, Đắc Nông, Quảng Bình, Lâm Đồng, Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới trung ương cho hay, sốt rét kháng thuốc đang là một vấn đề đáng lo lắng và đặc biệt đang thiếu thuốc điều trị. Phác đồ chống kháng nhưng nguồn thuốc hỗ trợ điều trị sốt rét ác tính hôn mê chưa được đáp ứng.

Tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Tại đầu cầu Thành Phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh cho biết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh trực tiếp kiểm tra giám sát công tác điều trị, tập huấn zika, sốt xuất huyết đặc biệt các điểm nóng như Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam. Các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, nhiệt đới TP.HCM để phân tích rút kinh nghiệm trường hợp tử vong để có phương án tiếp theo.

Các bệnh viện tuyến cuối cần duy trì số đường dây nóng để giúp các bệnh viện tuyến dưới trong công tác điều tri. Điều này quan trọng vì bệnh nhân nặng có thể hỗ trợ ngay cho bệnh viện tuyến dưới. Qua công tác điều trị 1 số tỉnh có phần lung túng khi xảy ra trường hợp số ca bệnh nhiều, hồi sức cấp cứu, chuẩn bị thuốc, dịch truyền, tiểu cầu còn chậm chạp. Các bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới điều trị trong mùa dịch.

Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh phát biểu tại đầu cầu TP.HCM

Các lãnh đạo cục, Vụ của Bộ Y tế và chuyên gia y tế tại đầu cầu Hà Nội

Ông Khoa cũng yêu cầu các sở y tế nhất là giáp biên giới tập huấn lại các bệnh ít gặp vì nhạy cảm lâm sàng không tốt nếu chẩn đoán muộn tử vong cao như bệnh bạch hầu, ho gà…

Đối với các bệnh viện, cần kiện toàn cở sở thu dung, thiết bị vật tư tiêu hoa để phục vụ bệnh nhân. Các tỉnh có số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến thì khả năng, máy thở, thiết bị hồi sức, nhân lực khó khăn nguy cơ tử vong cao hơn. Vì thế, các địa phương phải rà soát bổ sung thiết bị như dịch truyền máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục để không đổ dồn lên BV tuyến cuối.

Ông Khoa cho hay, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đề xuất phổi hợp với Tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức khóa đào tạo thí điểm nhất là bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để quản lý ca bệnh cấp cứu suy hô hấp nặng, sẽ phân công các bệnh viện tuyến cuối triển khai chương trình này. Các bác sĩ hồi sức, nhi, truyền nhiễm sẽ được đào tạo liên tục để xử ;ý tốt tình huống đặc biệt là dịch cúm. Đây là giải pháp căn cơ trong chống dịch.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn