Nhân Ngày thế giới rửa tay với xà phòng, chiều 4/10 Bệnh viện Xanh Pôn đã phát động Chiến dịch “Bảo vệ sự sống: Hãy vệ sinh tay” nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và thực hành vệ sinh tay của cán bộ y tế trong chăm sóc người bệnh. Buổi lễ có sự tham gia của nhiều các y bác sĩ là lãnh đạo khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của nhiều bệnh viện, PGS. TS. BS. Mattias Larsson -Khoa YTCC trường ĐH Karolinska -Thụy Điển. Tại buổi lễ phát động, các nhân viên y tế đã tham gia rửa tay và cùng hòa chung điệu nhảy flash mob tuyên truyền về việc rửa tay phòng tránh nhiễm khuẩn tại bệnh viện.
7% bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ 100 người nằm viện thì có khoảng 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, một phần do chính nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh. Bàn tay của nhân viên y tế có thể chứa những loại vi khuẩn làm tăng tình trạng bệnh do nhiễm khuẩn ở bệnh nhân, hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.
Ths.BS Nguyễn Đình Hưng- Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, NKBV là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu tại VN cũng như trên toàn thế giới, khi mà có nhiều dịch bệnh bùng phát, nhiều chủng vi khuẩn đa kháng. NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, di chứng, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị. NKBVhoàn toàn có thể ngăn ngừa được thông qua những chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả. Trong đó, Chương trình “tăng cường tuân thủ VỆ SINH TAY” được cho là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả nhất để giảm NKBV, đặc biệt là sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Ths Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn thực hành rửa tay phòng nhiễn khuẩn bệnh viện
Theo TS Đinh Vạn Trung, Trưởng khoa KSNK Bệnh viện 108 cho biết, NKBV làm hơn 2 triệu người mắc bệnh với 90.000 người tử vong và là nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh. Một trong những yếu tố chính, quan trọng hàng đầu trong KSNK là vệ sinh tay.Tại Việt Nam, tỷ lệ NKBV hiện nay khoảng 7%, bệnh nhân phải điều trị kháng sinh kéo dài từ 7 – 10 ngày sau phẫu thuật rất phổ biến ở nhiều cơ sở y tế, không chỉ gây tốn kém cho người bệnh mà nguy hiểm hơn là gây nên hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Ths Nguyễn Đình Hưng phát biểu tại buổi lễ phát động
Làm thế nào để phòng NKBV?
Tại Lễ phát động Chiến dịch, TS Đinh Vạn Trung đã chia sẻ thông tin của WHO đưa ra các khuyến cáo đối với nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân. Đó là 5 thời điểm mà mỗi nhân viên y tế cần vệ sinh tay, như trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc bệnh nhân, sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân.
Cũng theo WHO, vệ sinh tay, đặc biệt là vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn chữa cồn là biện pháp phòng chống NKBV hiệu quả và dễ thực hiện nhất. NKBV không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay tại Mỹ, tỷ lệ NKBV chiếm khoảng 5%, với chi phí điều trị lên tới 4,5 tỷ USD/năm, làm thời gian nằm viện của bệnh nhân tăng trung bình từ 4-7 ngày.
Tuy nhiên việc thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, phụ thuộc không chỉ vào trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là thái độ, kiến thức, thói quen của nhân viên y tế. Đặc biệt, kiểm soát nhiễm khuẩn đều do bệnh viện tự bỏ kinh phí, không được tính vào BHYT.
Theo nghiên cứu, tần suất tuân thủ vệ sinh tay của các nhân viên y tế, so sánh về việc vệ sinh tay giữa bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng thì bác sĩ là nhóm có tần suất tuân thủ vệ sinh tay thấp nhất, trong khi hộ lý là nhóm tuân thủ cao nhất trong bệnh viện. Điểm đáng nói là tần suất không vệ sinh tay nói chung trong bệnh viện còn rất cao. Khi kiểm tra ngẫu nhiên, trên 1 cm2 bàn tay hộ lý của nhân viên y tế BV Chợ Rẫy (năm 2001), có tới 481.273 vi khuẩn, bác sĩ có 257.110 vi khuẩn, điều dưỡng có 126.857 vi khuẩn. Còn tại Bv Nhi TW, năm 2010, số liệu cho thấy, bàn tay bác sĩ nếu được rửa bằng xà phòng và các chất tẩy rửa y tế, vẫn còn khoảng 276.376 vi khuẩn, khi chưa dùng chất tẩy rửa, số vi khuẩn lên tới vài triệu.
Việc phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện trước hết cần sự thay đổi trong thói quen, nhận thức của chính những nhân viên làm trong môi trường bệnh viện, nơi hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với rất nhiều loại mầm bệnh và nhiều loại vi khuẩn khác nhau.