Nhiều địa phương thoát nghèo nhờ trồng dược liệu

30-09-2023 07:02 | Y học cổ truyền

SKĐS - Ở nhiều địa phương trong cả nước, cây dược liệu như cà gai leo, sâm Ngọc Linh… đang được coi là ‘cây 3 trong 1’ giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Cà gai leo – cây thoát nghèo ở Châu Khê

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, năm 2020, xã Châu Khê được huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An chọn thí điểm xây dựng mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo trên diện tích 1 ha, với 25 hộ dân thôn 2 Tháng 9 tham gia. Ngoài vật tư, phân bón, cây giống, các hộ dân còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cà gai leo.

Nhiều địa phương thoát nghèo nhờ trồng dược liệu  - Ảnh 1.

Cây cà gai leo đang là "cây xoá đói, giảm nghèo" ở Thanh Khê (Con Cuông, Nghệ An) (Ảnh minh hoạ)

Do phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng, cà gai leo ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Ông Nguyễn Thế Dũng - ngụ thôn 2 Tháng 9 - cho biết trước đây, người dân trồng các loại cây như sắn hay mía, không hiệu quả. Từ năm 2020, nhờ chuyển sang trồng cà gai leo, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Thấy được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân thôn 2 Tháng 9 chuyển sang canh tác cà gai leo.

Được biết hiện trên địa bàn xã Châu Khê có khoảng 70 hộ dân trồng cà gai leo với 6,5 ha. Bình quân 1 ha trồng cà gai leo sau khi trừ các khoản chi phí, người dân có thể thu lợi trên 100 triệu đồng - cao gấp 3-4 lần so với các loại cây khác.

Theo lãnh đạo xã Châu Khê, mô hình trồng cà gai leo trên địa bàn rất hiệu quả. Nhờ trồng loại cây này mà nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả. Thời gian tới, xã mong muốn cà gai leo có đầu ra ổn định để có thể mở rộng diện tích trồng loại cây dược liệu này.

Ngoài Châu Khê, tại huyện Con Cuông, cà gai leo còn được trồng nhiều tại các xã Lạng Khê, Thạch Ngàn, Chi Khê… Ông Phan Xuân Diện, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát, cho biết công ty đang liên kết với người dân nhiều xã ở huyện Con Cuông trồng cây dược liệu này. Việc cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc cũng như thu mua toàn bộ sản phẩm đều do công ty đảm nhận.

Cà gai leo là loại cây trồng mới ở vùng đất này nhưng hiệu quả kinh tế rất cao - bình quân năng suất đạt mức 35 tấn tươi/ha, tổng sản lượng trên 700 tấn/năm. Thông qua mô hình liên kết, Công ty CP Dược liệu Pù Mát đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gần 200 hộ dân. Với giá thu mua 7.300 đồng/kg tươi, mỗi hecta cà gai leo cho doanh thu khoảng 240-270 triệu đồng, đem lại lợi nhuận cho người trồng 120-150 triệu đồng/năm.

Cây 3 trong 1 ở Tu Mơ Rông

Ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) người dân khi nói về cây dược liệu đều nhận xét là cây 3 trong 1 (cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực). Thực tế là nhờ trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được gần 3.000ha cây dược liệu, trong đó có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong 3 năm qua, trên địa bàn có gần 2.000 hộ thoát nghèo, trong đó phần lớn nhờ vào trồng, mua, bán dược liệu.

Nhiều địa phương thoát nghèo nhờ trồng dược liệu  - Ảnh 2.

Ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) người dân khi nói về cây dược liệu đều nhận xét là cây 3 trong 1 (cây thoát nghèo, cây làm giàu và cây chủ lực). Thực tế là nhờ trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. (ẢNH MINH HOẠ)

Ở xã Tê Xăng, để giúp người dân hiểu hơn về hiệu quả của phát triển cây dược liệu, cán bộ xã thường xuyên tham gia các buổi họp thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và triển khai giao chỉ tiêu phát triển về cây dược liệu trên địa bàn xã cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. UBND xã đã phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các hộ dân tổng hợp diện tích dược liệu và triển khai thực hiện ươm giống tại chỗ để đáp ứng nhu cầu giống đảm bảo về chất lượng cho người dân trên địa bàn. Để trồng cây dược liệu đạt hiệu quả, cán bộ, công chức xã còn xuống các thôn hướng dẫn người dân chuẩn bị đất, xử lý thực bì, đào hố; xây dựng các tổ, nhóm vận động người dân tham gia phát triển cây dược liệu. Riêng đối với cây sâm Ngọc Linh, UBND xã thường xuyên phối hợp với Lâm trường Ngọc Linh và bà con nhân dân các thôn thường xuyên kê khai việc trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

Còn ở xã Ngọc Lây, trên địa bàn xã hiện đã có 267/514 hộ trồng sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là tại thôn Lộc Bông gần như 100% hộ dân đều trồng sâm Ngọc Linh. Các hộ dân thành lập lại thành nhóm hộ cùng trồng, chăm sóc và bảo vệ cả ngày, lẫn đêm. Để duy trì và mở rộng diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh, người dân Ngọc Lây mạnh dạn vay vốn từ  Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông, mỗi hộ gia đình, cá nhân người lao động được vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh.

Cùng với phát triển sâm Ngọc Linh, ở xã Ngọc Lây có khoảng 250 hộ tham gia trồng cây dược liệu. Các mô hình trồng và phát triển dược liệu đã mang lại giá trị cao hơn so với các loại cây truyền thống như cây mì, lúa nước.

Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Lây, nhờ thu nhập từ cây dược liệu và sâm Ngọc Linh nên năm 2022, trên địa bàn xã giảm được 63 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 13,54%.

Thấy rõ hiệu quả và con đường thoát nghèo vươn lên khá giả nhờ dược liệu và sâm Ngọc Linh, người dân Tu Mơ Rông đã có những chuyển biến trong nhận thức, chủ động đầu tư vườn sâm thay vì trông chờ hỗ trợ. Bằng chứng là năm 2022, tổng nguồn vốn vay đầu tư sâm Ngọc Linh của dân bằng 5 năm trước cộng lại. Còn về phía huyện, để hỗ trợ người dân phát huy lợi thế từ dược liệu và sâm Ngọc Linh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, từ các nguồn vốn, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng các mô hình kinh tế trồng sâm, dược liệu để dân tham gia sản xuất; ưu tiên nguồn vốn cho dân vay để đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, dược liệu. Nhờ phát huy được thế mạnh, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông giảm còn 47,26% (giảm 12,93% so với cuối năm 2021 là 64,79%). 


 

PV
Ý kiến của bạn