Địa phương khó tuyển dụng giáo viên
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 18/8, Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. So với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người (cấp mầm non 7.887; tiểu học tăng 169; THCS 1.207, THPT 2.045). Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra chủ yếu ở các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.
Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, vướng mắc nhất của địa phương là tình trạng thiếu nhiều giáo viên và khó tuyển dụng mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ.
Hiện số giáo viên tại tỉnh Yên Bái đạt 86,5% so với định mức. Từ năm 2021 đến nay, địa phương tổ chức nhiều đợt tuyển dụng, bình quân 2 đợt 1 năm với tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 2.532, nhưng số đăng kí chỉ 1.359, chiếm 53,7%. "Số trúng tuyển 726, chiếm 53,4% số dự tuyển và chiếm 28,7% tổng số chỉ tiêu được tuyển. Ví dụ, giáo viên tiếng Anh, Tin học, tuyển mới ở vùng cao, thu hút 100 triệu/người vẫn chưa thể tuyển mới được trường hợp nào".
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên vẫn trầm trọng là do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Sự chuyển dịch lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu bậc tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bổ sung thêm một số môn học bắt buộc.
Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); chưa có cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề khi lương giáo viên nhìn chung thấp, nhất là giáo viên mới được tuyển dụng.
Việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương thực hiện cơ học chưa căn cứ vào tính chất đặc thù của ngành Giáo dục cũng tác động làm gia tăng thêm tình trạng thiếu giáo viên.
Xem xét điều chỉnh biên chế giáo viên theo từng vùng miền
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, năm học sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ tham mưu Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động giải quyết khó khăn thiếu giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT cũng chủ động tổ chức rà soát, khảo sát việc thực hiện chế độ làm việc giáo viên phổ thông, thực trạng chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục mầm non công lập để đề xuất chính sách đặc thù nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, biên chế của ngành Giáo dục năm 2021 là 1.375.715 người, trong đó khối Trung ương là 50.699, ở địa phương là 1.328.016 biên chế. Khối mầm non và THPT là 1.131.001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850.
Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.
Hiện nay, ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau.
Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa. Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.
Về giải pháp, ông Cường cho rằng, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.