Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tại tỉnh Lai Châu, chiều ngày 14/4, khu vực huyện Sìn Hồ, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể anh Liều A Thanh (1 trong 2 người mất tích do bị nước cuốn trôi khi đi qua ngầm tràn trên suối Lùng Cù, thuộc bản Lùng Cù, xã Lùng Thàng ngày 12/4). Địa phương đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, đồng thời tiếp tục tìm kiếm người mất tích còn lại.

Mưa đá kéo dài ở Lâm Đồng gây thiệt hại nặng nề tài sản của người dân.
Tại tỉnh Lâm Đồng và An Giang, mưa lớn kèm theo dông lốc và mưa đá tại Lâm Đồng từ ngày 13-14/4 đã làm 38 nhà bị tốc mái (Lâm Đồng 4, An Giang 34), 1.200 tấm pin năng lượng mặt trời bị hư hỏng (An Giang). Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Ứng phó với thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 978/BNNMT-ĐĐ ngày 11/4/2025 về việc chủ động ứng phó với không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trên biển. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban (24/24h); theo dõi, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Trận mưa đá kèm theo lốc xoáy vào khoảng 16 giờ ngày 14/4 tại Thôn 11 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) làm 4 nhà dân bị tốc mái
Tại địa phương, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên chủ động ứng phó với với không khí lạnh, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió mạnh trên biển theo văn bản số 978/BNNMT-ĐĐ ngày 11/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong đó đã có 10 tỉnh, thành phố[1] đã ban hành văn bản chỉ đạo.
11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.