Nhiều địa phương phát hiện giáo viên, học sinh mắc COVID-19 sau Tết

11-02-2022 15:11 | Xã hội

SKĐS - Trước thực trạng gia tăng giáo viên, học sinh mắc COVID-19, nhiều địa phương đã cho học sinh nghỉ học hoặc kết hợp vừa học trực tuyến và trực tiếp.

Sẵn sàng phương án xử trí, điều trị cho học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trườngSẵn sàng phương án xử trí, điều trị cho học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trường

SKĐS - Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến, gây quá tải

Tuyên Quang: Để đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2022, trước khi học sinh quay lại trường, các trường học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức test nhanh COVID-19, làm xét nghiệm Realtime - PCR cho giáo viên và học sinh hoặc các phụ huynh tự đưa con đi làm xét nghiệm (rồi thông báo kết quả với nhà trường). Qua xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện 27 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 giáo viên và 26 học sinh (có 3 học sinh bậc Mầm non, 16 học sinh bậc Tiểu học, 2 học sinh bậc THCS và 5 học sinh bậc THPT).

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng, từ ngày 8-9/2, số ca mắc mới COVID-19 mới trong ngành là gần 1.000 ca, trong đó giáo viên 65 ca, học sinh 918 ca, nâng tổng số ca F0 trong toàn ngành giáo dục TP. Hải Phòng lên 4.117 ca. Để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, các trường trên địa bàn TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều hình thức giảng dạy phù hợp điều kiện thực tế, có 152 trường kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, không để ngắt quãng chương trình giáo dục.

Nhiều địa phương phát hiện giáo viên và học sinh mắc COVID-19 sau Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của ngoại thành Hà Nội trở lại trường học trực tiếp.

Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 604 học sinh dương tính với SARS-CoV-2 từ đầu tuần này, tập trung chủ yếu ở TP. Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam. Như vậy, đến nay, hơn 200 trường tại Bắc Giang đã phải chuyển hình thức học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.496 giáo viên và học sinh mắc COVID-19, trong đó có 222 giáo viên và 1.274 học sinh. Số học sinh và giáo viên mắc COVID-19 được xác định là do bị lây nhiễm trong thời gian nghỉ Tết qua quá trình sàng lọc y tế tại địa phương hoặc test nhanh khi giáo viên và học sinh trở lại trường.

Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, đầu tuần này, toàn tỉnh có 266 học sinh là đối tượng F0 ở 4 cấp học. Ngoài ra, có 71 giáo viên, nhân viên là đối tượng F0. Số giáo viên và học sinh thuộc đối tượng F1 là gần 4.000 trường hợp, trong đó có 3.345 học sinh và 786 học sinh giáo viên. Con số này có thể tăng thêm trong thời gian tới, bởi nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê.

Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, so với thời điểm trước Tết, số học sinh ở các nhà trường bị nhiễm COVID-19 gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc vừa tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo an toàn trong các nhà trường được đặt lên hàng đầu.

Ngành giáo dục Hà Tĩnh từ ngày 8/2 đến nay đã ghi nhận gần 400 giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19, trong đó có 50 giáo viên và 331 học sinh. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã cho 58 trường chuyển học trực tiếp sang học trực tuyến hoặc nghỉ học.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, từ ngày 7 đến 9/2, Sở GD&ĐT TP ghi nhận 5 trường hợp F0 tại trường học và đều được xử lý đúng quy trình, kịp thời. Từ 14/2, TPHCM sẽ tổ chức cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 và trẻ mẫu giáo từ 3 tuổi trở lên đi học trở lại. Công tác chuẩn bị đã được thực hiện trước Tết và trong tuần này, các cơ sở giáo dục cũng đang chuẩn bị rốt ráo công đoạn cuối. Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã có hướng dẫn cụ thể cho từng bậc học và cấp học đảm bảo hoạt động chuyên môn và phòng chống dịch COVID-19.

Còn tại Thủ đô Hà Nội, đến thời điểm này chưa có thống kê số giáo viên và học sinh mắc COVID-19 trên địa bàn từ khi đi học trở lại, tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số trường, lớp và trên các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến học tập, nhiều học sinh vừa đến lớp đã phải về vì trong lớp có bạn là F0 hoặc do giáo viên là F0 đang cách ly tại nhà nên học sinh phải học trực tuyến tại trường.

Tại huyện Ba Vì, thay vì cho học sinh đến trường theo kế hoạch chung của TP. Hà Nội là ngày 10/2 thì học sinh lớp 1 tới lớp 6 trên địa bàn huyện sẽ đến trường ngày 14/2. Quyết định lùi ngày của huyện Ba Vì với lý do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình dịch COVID-19 ở Ba Vì có diễn biến phức tạp. Các ca F0 rải đều ở các xã và tăng nhiều ca mỗi ngày. Bên cạnh đó, huyện muốn dành nhiều thời gian cho các trường chuẩn bị hơn vì đối tượng học sinh Tiểu học đi học lại cần được tổ chức kỹ lưỡng, an toàn tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch.

Khi có F0 trong trường học, xử lý thế nào?

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hướng dẫn xử lý những trường hợp học sinh mắc COVID-19 tại Quyết định 406/QĐ-BGDĐT. Theo đó, quy trình xử lý gồm 4 bước như sau:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của Sở Giáo dục và cha mẹ học sinh, tiếp tục cách ly tạm thời F0;

Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 03 người/mẫu.

Các lớp khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công văn 647/MP-VP về điều chỉnh thời gian cách ly y tế đối với F1).

Một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếpMột số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp

SKĐS - Không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn