Hà Nội

Nhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội

05-06-2023 14:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6, nhiều ĐBQH đã cho ý kiến về việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách của loại hình nhà ở xã hội.

Cần bổ sung thêm đối tượng là công nhân, chuyên gia

Ngày 5/6, sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các ĐBQH đã tham gia thảo luận tại Tổ về dự án luật này.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 14, ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NƠXH), khoản 6 Điều 73 quy định công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH. Đại biểu cho rằng, hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động. Vì vậy cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc trong các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.

Nhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội - Ảnh 1.

ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Cũng tại Điều 73, khoản 12 có quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà lưu trú công nhân để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định tại mục 3 của Chương này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm "nhà ở xã hội" trong quy định này, bởi khái niệm nhà lưu trú công nhân chưa có trong các quy định khác. Đại biểu phản ánh, thực tế hiện nay việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp đều được triển khai, thu hút đầu tư xây dựng NƠXH theo Luật Nhà ở năm 2014. Việc đáp ứng nhu cầu thuê của doanh nghiệp, công nhân là việc rất quan trọng.

Phát biểu thảo luận tại Tổ 15, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc chỉ được xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó, đối với những khu công nghiệp đã hình thành, không còn quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú, nếu quy định cứng như trong dự thảo sẽ gây khó trên thực tế. Do đó, đại biểu cho rằng có thể quy định bố trí, xây nhà lưu trú cho công nhân trong bán kính nhất định xung quanh khu công nghiệp để có độ mở cao hơn, và hiệu quả hơn khi triển khai trong thực tế.

Nhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 74 về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH có quy định đối tượng là hộ gia đình nghèo, cận nghèo cư trú tại khu vực thành thị không được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở.

Đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay, tại các đô thị miền núi không có sự khác biệt quá lớn về hộ nghèo, hộ cận nghèo nông thôn và hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực đô thị miền núi. Nếu quy định như trên sẽ rất thiệt thòi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của đô thị vùng miền núi. Đại biểu cho rằng, cần quy định theo hướng mở hơn để các hộ trên đều được hưởng chính sách về hỗ trợ NƠXH.

Bảo đảm sự thống nhất về khái niệm nhà riêng lẻ

Trong khi đó, ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, dự thảo Luật cũng chưa quy định về sở hữu đối với các loại hình bất động sản mới xuất hiện trong thời gian gần đây như: bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp với nhà ở, nhà ở kết hợp thương mại.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung điều chỉnh quan hệ sở hữu của các loại hình trên nhằm đảm bảo thống nhất với các dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đang trong quá trình sửa đổi. Cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung của các luật trên để đảm bảo hiệu quả, tránh gây khó khăn, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Mặt khác, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nêu rõ, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng liên quan đến nhiều dự án Luật, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cập nhật, bổ sung những nội dung còn bất cập, liên quan đến các dự án luật để hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và một số dự án Luật đang được lấy ý kiến. Về cụ thể, tại Điều 3 có đề cập đến quy định về nhà ở riêng lẻ, đại biểu cho biết, một số hộ gia đình, cá nhân đề nghị cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại 2 thửa đất riêng biệt trên 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất phải "Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất". Do đó, đề nghị điều chỉnh khoản 3 Điều 3 cụ thể hơn để tạo thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn. Khoản 10 Điều 3 dự thảo Luật quy định "Nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư là nhà ở được đầu tư xây dựng từ trước năm 1994". 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở nào để lấy mốc "trước năm 1994" trong quy định về nhà ở cũ. Việc quy định mốc cụ thể như trên có thể khiến dự thảo Luật phải thường xuyên điều chỉnh, sửa đổi.

Nhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội - Ảnh 4.

Đại biểu Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Cũng đóng góp ý kiến đối với quy định về nhà ở riêng lẻ tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật, ĐBQH Đỗ Đức Duy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái chỉ ra rằng, khoản 29, Điều 3 Luật Xây dựng đã quy định "Nhà ở riêng lẻ là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật". 

Theo đại biểu, như vậy có 2 nội dung định nghĩa về nhà ở riêng lẻ ở 2 luật khác nhau nhưng chưa thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát để điều chỉnh, bảo đảm sự thống nhất về khái niệm nhà riêng lẻ tại hai luật này.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Hoàn thiện quy định để đưa người dân khỏi chung cư cũ, có nguy cơ đổ sậpDự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Hoàn thiện quy định để đưa người dân khỏi chung cư cũ, có nguy cơ đổ sập

SKĐS - Thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ đổ sập mà chưa di dời người dân là vấn đề đã và đang tồn tại. Chính vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn