Hà Nội

Nhiều dấu hiệu của mùa mưa lũ sẽ rất bất thường

26-06-2024 10:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Miền Bắc đang trải qua mùa hè nhiều mưa hiếm thấy với những đợt mưa cục bộ có nơi lên đến 400-500mm gây ngập úng diện rộng. Theo chuyên gia, nhiều dấu hiệu cho thấy mùa mưa lũ năm nay sẽ rất bất thường.

Mưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 30 năm qua tại Hà Giang 3 người chết, thiệt hại hơn 60 tỉ đồngMưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 30 năm qua tại Hà Giang 3 người chết, thiệt hại hơn 60 tỉ đồng

SKĐS - Trận mưa lũ tại Hà Giang từ đêm ngày 9 đến sáng 10/6 được nhận định lớn nhất trong vòng 30 năm qua, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Mùa hè nhiều mưa hiếm thấy ở miền Bắc

Miền Bắc đang trải qua một mùa hè mưa nhiều hiếm thấy. Trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6/2024, miền Bắc nhiều ngày có mưa vừa, mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to. Trong đó, từ 8-10/6 miền Bắc xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng với 2 tâm mưa chính là Quảng Ninh - Hải Phòng và Hà Giang. Trong đó, Quảng Ninh - Hải Phòng có lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, có nơi xấp xỉ 400mm. Mưa kỷ lục tháng 6 đã xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh và Thanh Hóa.

Tại Hà Giang, lượng mưa phổ biến từ 8-10/6 là 100 - 200 mm, có nơi trên 400mm. Trong đó từ 19h00 ngày 8/6 đến 13h00 ngày 10/6, lượng mưa tại xã Quảng Ngần, Vị Xuyên lên tới 447mm; tại Tân Lập, huyện Bắc Quang là 381,2mm, tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên 354mm. Mưa lớn thời gian này đã gây ngập úng diện rộng ở nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Nhiều dấu hiệu của mùa mưa lũ sẽ rất bất thường- Ảnh 2.

Mùa mưa lũ năm nay được dự báo khốc liệt hơn trung bình nhiều năm.

Trong tháng 5, tổng lượng mưa ở miền Bắc cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%, có nơi cao hơn từ 80-100%. Nửa đầu tháng 6, tổng lượng mưa ở miền Bắc và Thanh Hóa phổ biến cao hơn từ 50-150%, nhiều nơi cao hơn 200% so với trung bình nhiều năm.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển lên đến 5000m nên từ tối 24/6 đến sáng ngày 26/6, miền Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, khu vực có khả năng xuất hiện mưa rất lớn trong thời gian ngắn là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình, một số điểm ở khu vực Đông Bắc cũng có thể xuất hiện mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Đy là hình thái thời tiết rất nguy hiểm vì mưa lớn trong thời gian ngắn thường đi kèm nhiều hiện tượng thiên tai khác như lũ quét, sạt lở đất, lũ ống.

Chuyên gia khí tượng lý giải mùa mưa ở miền Bắc thường bắt đầu từ khoảng tháng 4-5 đến tháng 9-10, nên việc mưa dông xuất hiện ở khu vực trong thời gian qua là theo quy luật. Dù vậy, tình trạng mưa kéo dài suốt cả tháng 5 và đầu tháng 6 ở miền Bắc là do trên khu vực tồn tại rãnh áp thấp ở vùng núi, kết hợp hội tụ gió tây nam nóng ẩm. Cùng với đó, hệ thống áp cao từ phía bắc nén xuống hình thành các rãnh áp thấp ở khu vực phía nam Trung Quốc, sát với biên giới và dịch xuống khu vực vùng núi phía Bắc nước ta. Một số điểm mưa lớn cực đoan do địa hình lòng chảo, thung lũng.

Dự báo mùa mưa lũ năm nay rất khốc liệt

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, vào giữa tháng 6 năm nay đã xuất hiện một hình thái thời tiết kiểu dòng sông khí quyển ở miền Nam Trung Quốc. Đợt mưa đó gây lũ quét, sạt lở và làm 47 người thiệt mạng. "Hôm nay (26/6), thêm một kiểu hình thái thời tiết tương tự ở các tỉnh miền trung dịch chuyển dần về miền Nam Trung Quốc. Chắc chắn sẽ gây mưa lớn và lụt lớn ở phía Nam Trung Quốc trong vài ngày tới.

Các "dòng sông khí quyển" trong giai đoạn này là một kiểu hội tụ nhiệt đới giữa gió mùa Tây Nam đi từ xích đạo mang theo hơi ẩm nóng qua lãnh thổ và vùng biển Việt Nam lên phía Bắc thì gặp phải gió lạnh Tây Bắc và Bắc tràn về từ dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Sự hội tụ này tạo ra dòng sông trên trời kéo dài từ khu vực giáp biên giới của Việt Nam sang tận Nhật Bản gây mưa xối xả dài ngày", TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết.

Dòng sông khí quyển sẽ có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam vào lãnh thổ của Việt Nam trong các tháng cuối mùa hè, đầu mùa thu và tới miền Trung vào khoảng tháng 9, 10 và 11. Tuy nhiên, vào các tháng 9, 10, và 11 thì sự hội tụ là từ đới gió lạnh Đông Bắc với gió nóng ẩm Nam, Đông Nam gây nên dẫn đến mưa xối xả dài ngày.

Chuyên gia cho biết, năm 2020 ông đã dõi sự hình thành các dòng sông khí quyển ở Trung Quốc diễn ra vào tháng 6 và 7. Năm đó miền Trung của Trung Quốc đã mưa liên tục 45 ngày và gây ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng. Ở Việt Nam, tháng 10/2020 mưa cuốn chiếu liên tục ở miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng.

"Năm nay, sự xuất hiện dòng sông khí quyển liên tục trong 2 tuần kế tiếp nhau ở Trung Quốc cũng cho chúng ta thấy về xu hướng có thể lặp lại kịch bản mưa lũ năm 2020. Mưa lũ thậm chí có thể đến sớm hơn so với năm 2020 và chúng ta cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó", TS Nguyễn Ngọc Huy cảnh báo.

Nhận định về thời tiết trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung vào cuối năm. Cùng với đó, từ tháng 9 khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Riêng tháng 11 có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Khu vực từ Đà Nẵng - Bình Thuận có tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 11, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mưa lũ, nắng nóng năm 2024 sẽ rất dị thườngMưa lũ, nắng nóng năm 2024 sẽ rất dị thường

SKĐS - Từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3 với nền nhiệt thấp có nơi dưới 13 độ C, nắng nóng xuất hiện dài ngày...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 26/6.


Tô Hội
Ý kiến của bạn