Thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế Thừa Thiên Huế cho thấy, 30% trung tâm y tế trên địa bàn bị thấm dột, mái nhà bị tốc mái, trong đó, Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền, nước lũ tràn vào toàn bộ tầng 1.
Khoảng 50% trạm y tế bị cũng bị mưa dột, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.
Nhiều cơ sở y tế trong toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nước lũ vào ngập sâu sâu trung bình từ 0,3 đến 0,6m.
TTYT huyện Nam Đông và A Lưới bị chia cắt do sạt lở tại đèo La Hy thuộc huyện Nam Đông và A Co thuộc huyện A Lưới, đã ảnh hưởng đến công tác chuyển tuyến bệnh nhân của 2 đơn vị này.
Tại Bệnh viện Tâm thần Thừa Thiên Huế, mái tôn của 6/6 khu nhà đều bị thấm dột do hệ thống các mái tôn đã lâu năm, xuống cấp, gỉ sét. 2/6 khu nhà bị thấm dột nặng trong mưa bão phải chuyển bệnh nhân đến các khu vực khác an toàn hơn.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo trực tiếp đến các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị có vị trí thấp trũng có các biện pháp phòng chống lũ lụt có thể xảy ra trên diện rộng; nắm bắt tình hình bệnh nhân đang điều trị nội trú để có phương án chuyển tuyến, người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân; tình hình các sản phụ đến thời kỳ sinh đẻ, công tác ứng cứu cấp cứu ngoại viện, chuẩn bị theo phương châm phòng chống lụt bão 4 tại chỗ… đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân và tài sản của nhà nước.
Các đơn vị y tế trong toàn ngành đã chủ động huy động lực lượng công chức, viên chức và người lao động thường trực tại các điểm xung yếu để đảm bảo ứng phó các tình huống xảy ra.
Thực hiện trực cấp cứu 24/24h, với phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo hậu cần tối thiểu cho 1 tuần.
Trong những ngày mưa lũ vừa qua, y tế Thừa Thiên Huế đã cấp cứu 1.100 bệnh nhân và 07 trường hợp sản phụ đến sinh tại trạm y tế xã.
Ngành Y tế Thừa Thiên Huế đã phân phối đến các đơn vị trực thuộc số hàng tiếp nhận của Bộ Y tế hỗ trợ gồm: Chloramine B 500 kg; Viên khử khuẩn Aquatabs; Khẩu trang M12; Bộ trang phục phòng chống dịch; Áo phao; Phao cứu sinh và Bè cứu sinh...đến các cơ sở y tế.