Chia sẻ với bạn đọc Báo Sức khỏe và Đời sống về những cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát triển dược liệu quý, PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu cho hay, sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013. Đến nay, đã có rất nhiều chương trình, đề án để ưu tiên phát triển, sản xuất cây dược liệu:
Đơn cử như Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại quyết định 1671/QĐ-TTg ngày 28/09/2015; Hay chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 tại quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/03/2021.
Gần đây nhất là tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Thực hiện chương trình này Bộ Y tế đã ban hành hai thông tư 10/2022/TT-BYT và thông tư số 12/2023 Hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Song song với việc thực hiện chính sách của Nhà nước thì việc tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng, xã hội về việc bảo vệ các loại cây thuốc quý cũng cần được quan tâm và thúc đẩy nhiều hơn.
PGS. TS Phạm Thanh Huyền thông tin thêm, nước ta với trên 5000 loài cây thuốc, có rất nhiều loài cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao đã được đầu tư phát triển trong nhiều năm qua. Để có cơ sở trong việc lựa chọn các đối tượng ưu tiên phát triển, năm 2019 Bộ Y tế đã có quyết định số 3657/QĐ-BYT "Về việc ban hành 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030".
Hiện nay, nhiều loài cây thuốc đã được một số đơn vị tập trung nghiên cứu phát triển như: Actiso, Ba kích, Bách bộ, Bạch cập, Bạch chỉ, Bạch hoa xà thiệt thảo, Bạch chuột, Bán chi liên, Bồ công anh, Cát cánh, Cát sâm, Cù mài, Cúc hoa vàng, Đảng sâm, Dây thìa canh, Diệp hạ châu đắng, Đinh lăng, Đương quy di thực, Hà thủ ô đỏ, Kim ngân, Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu, Tang ký sinh, Xạ can, Xuyên khung,…
Bên cạnh đó, tùy từng điều kiện tự nhiên, nhu cầu thị trường,… của từng địa phương sẽ lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế để ưu tiên phát triển.
Chia sẻ liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát triển cây dược liệu tại nước ta, PGS. TS Phạm Thanh Huyền nhấn mạnh rằng, dù đã được đầu tư và tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng thực tế việc bảo tồn cây thuốc quý cũng còn rất nhiều khó khăn.
Chỉ ra nguyên nhân, bà Huyền cho rằng, do việc phân bố các loài cây thuốc quý chủ yếu ở các vùng núi cao nên việc thực hiện còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đường xá, giao thông, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế,… Thực tế, việc đầu tư về tài chính cho công tác này cần được quan tâm nhiều hơn.
Hiện nay, bên cạnh những kỹ thuật, phương pháp truyền thống được sử dụng trong nghiên cứu và phát triển dược liệu, ở Việt Nam nhiều đơn vị đã áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu như: ứng dụng công nghệ sinh trong việc xác định tính đúng, đánh giá đa dạng nguồn gen, chọn tạo giống,…
Hoặc việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong nghiên cứu chất lượng dược liệu, công nghệ chiết xuất, bào chế… để phát triển các sản phẩm từ dược liệu có chất lượng tốt phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ và phát triển KT-XH.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu dễ bị bỏ qua của bệnh viêm màng não do não mô cầu ở trẻ em I