Nhiều chuyên gia đề nghị bỏ hẳn xét tuyển sớm

08-12-2024 07:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, người làm công tác tuyển sinh, cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tọa đàm với các chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học, Sở GD&ĐT để lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Tại buổi tọa đàm, nhiều trường đại học đề xuất không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong 20% mà nên bỏ luôn.

Vì sao cần bỏ 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm?

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, khi tất cả các trường đều xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều, các em không quan tâm đến học kỳ 2 năm lớp 12. Có trường chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nên có câu chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học nữa.

"Do vậy, chúng tôi ủng hộ điểm mới trong dự thảo quy chế là nếu xét tuyển bằng học bạ THPT phải có đủ 6 học kỳ, để thí sinh tập trung học tập nghiêm túc đến cuối năm học. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế; tăng cường chế tài về công tác thanh tra, hậu kiểm để công tác tuyển sinh đi vào nền nếp, hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Đào Tùng trao đổi.

Giám đốc Học viện Tài chính đề nghị cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự.

Nhiều chuyên gia đề nghị bỏ hẳn xét tuyển sớm- Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 tại Hà Nội.

TS. Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng, việc các em lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ tập trung học những môn học để thi ở THPT cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất cân bằng đến quá trình các em học đại học sau này. TS Võ Thanh Hải cũng ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm, cần siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn.

Bộ GD&ĐT cân nhắc bỏ xét tuyển sớm để đảm bảo công bằng

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã làm rõ những vấn đề liên quan đến dự định giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khi có sửa đổi trong dự thảo đều dựa trên căn cứ văn bản quy phạm pháp luật, quá trình triển khai, quy chế tuyển sinh từng năm, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc trực tiếp làm công tác tuyển sinh, Sở GD&ĐT, đánh giá dữ liệu tuyển sinh hàng năm... "Muốn điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên các nguyên tắc. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục đó là công bằng và chất lượng. Ngoài ra, việc điều chỉnh phải giúp nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh".

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một buổi tọa đàm thẳng thắn, cởi mở với sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia, những người có kinh nghiệm, trực tiếp làm công tác tuyển sinh. Tại đây, rất nhiều ý kiến đồng thuận với dự thảo, bám theo nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Phân tích sự cần thiết, tác động tích cực của dự thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, việc xét tuyển sớm xuất hiện cách đây 6-7 năm, từ năm 2017, bắt đầu từ một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ, thành tích và các hình thức khác. Khi cơ sở đào tạo này tổ chức xét tuyển sớm, các cơ sở đào tạo khác "như một cuộc chạy đua, lao vào cuộc cạnh tranh vất vả". "Các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ xét tuyển; các em học sinh đang học lớp 12 chạy đôn chạy đáo để giành chứng chỉ làm hồ sơ; các trường THPT, thầy cô giáo phải xác nhận để cho công tác tuyển sinh này. Tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả mang lại thì không cao".

Theo số liệu, có 8 nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có 2 nguyện vọng theo học. Nói cách khác, cứ có hai 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì chỉ có 1 em nhập học, bởi trung bình 1 em có 4 nguyện vọng.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích thêm, khi xét tuyển sớm, mỗi trường sẽ làm độc lập, đến khi Bộ GD&ĐT tiến hành xét tuyển chung để các thí sinh lựa chọn nguyện vọng sẽ sinh ra thí sinh ảo. Ngoài ra, từng trường, từng ngành không thể dự đoán được thí sinh ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu, có thêm nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn tới xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn. Điểm chuẩn trúng tuyển thường được hạ thấp đi để có thí sinh trúng tuyển nhiều hơn.

Từ khâu dự báo tỷ lệ trúng tuyển không đúng gây ra thiệt hại lớn, đồng thời không có căn cứ dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt. Có những em được 25 điểm có khả năng trúng tuyển nhưng sau đó điểm chuẩn nâng lên 26 điểm vì có những em đã trúng tuyển theo diện tuyển sinh sớm. "Đó là điều không công bằng", ông Sơn nói. Hơn nữa, vì xét tuyển sớm nên nhiều em chưa hoàn thành chương trình THPT lớp 12 đã lao vào xét tuyển đại học cũng dẫn đến sự không công bằng. "Em nào đủ điều kiện đã học trước chương trình từ học kỳ I, trong khi tất cả các em đều đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình THPT. Như vậy việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em là không đồng đều".

Một điểm tác động tiêu cực khác là có rất nhiều em có tâm lý trúng tuyển rồi nên không còn quan tâm đến chương trình học ở THPT, đến lớp chỉ ngồi chơi hoặc không đến lớp nữa vì biết mình đã trúng tuyển. Thậm chí, có em trúng tuyển vào lớp 10 trường chuyên đã yên tâm trúng tuyển đại học. Các em chỉ tập trung học những gì mình thích và thiếu đi sự toàn diện, quá trình đào tạo sau này.

Vì thế, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến, điều chỉnh, khống chế tỷ lệ này. Chỉ những em nào thực sự có năng lực nổi trội mới được tuyển thẳng, xét tuyển sớm. Còn lại hầu hết các em sẽ tham gia kỳ thi chính của Bộ. "Với giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 5-7%, thí sinh sẽ tập trung vào xét tuyển bình đẳng. Nhiều ý kiến còn đề nghị bỏ xét tuyển sớm, Bộ sẽ cân nhắc điều này để tạo sự công bằng", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Thí sinh điểm IELTS, ACT/SAT cao có ảnh hưởng khi siết xét tuyển sớm?Thí sinh điểm IELTS, ACT/SAT cao có ảnh hưởng khi siết xét tuyển sớm?

SKĐS - Trước dự kiến giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển sớm, thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị?


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn