Hà Nội

Nhiều chủ tàu 67 ở Nghệ An nguy cơ lâm vào cảnh trắng tay

28-12-2020 10:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau 5 năm đi vào hoạt động, hiện có khoảng một nửa số tàu đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là tàu 67) ở Nghệ An đạt hiệu quả không cao, nhiều chủ tàu rơi vào cảnh khốn đốn vì nợ chồng nợ, không trả được tiền gốc và lãi. Không ít ngư dân có nguy cơ trắng tay, mất tàu, mất nhà... khi bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Nợ chồng nợ cả gốc lẫn lãi

Sau khi có Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước về nâng cấp, đóng mới tàu 67. Các ngân hàng ở Nghệ An đã giải ngân 860 tỷ đồng giúp ngư dân trong tỉnh đóng 104 tàu với công suất máy từ 800 CV trở lên. Nhờ tàu to, máy lớn nên các đội tàu 67 Nghệ An đã bám ngư trường biển xa ở Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ..., đánh bắt được nhiều hải sản có giá trị cũng như trở thành những “cột mốc sống” trên biển để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Tuy nhiên, hiện có hơn một nửa số tàu 67 ở Nghệ An đang làm ăn cầm chừng, không hiệu quả, đồng nghĩa với việc không trả nợ ngân hàng đúng cam kết và như vậy cũng đồng nghĩa khoản hỗ trợ lãi suất của Nhà nước bị cắt, khiến họ càng lao đao và có nguy cơ phá sản, trắng tay. Đây là hệ lụy buồn mà trước khi đóng mới tàu 67, ít người nghĩ đến...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An: Tính đến hết tháng 8/2020, trong số 104 tàu 67 của tỉnh được ngân hàng cho vay vốn có tới 100 tàu hiện đang còn nợ ngân hàng với tổng dư nợ 675 tỷ đồng. Trong đó: 4 tàu không thể hoạt động do gặp rủi ro trong quá trình khai thác với dư nợ 28 tỷ đồng; 6 tàu không hoạt động do khai thác không hiệu quả hoặc đã bàn giao tàu cho ngân hàng với dư nợ 43,8 tỷ đồng; 54 tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả nợ gốc và lãi theo cam kết, dư nợ 412,3 tỷ đồng...

Nhiều chủ tàu 67 có nguy cơ mất tàu, mất  nhà do ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Nhiều chủ tàu 67 có nguy cơ mất tàu, mất nhà do ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Ngân hàng khởi kiện, ngư dân nguy cơ tay trắng

Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan khiến nhiều tàu 67 ở tỉnh Nghệ An thua lỗ, đứng trước nguy cơ bị ngân hàng thu hồi, phát mại. Trước hết, do các ngư trường lớn như Vịnh Bắc Bộ đang bị cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, làm ăn khó khăn lại lắm rủi ro. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, một số tàu đánh bắt không hiệu quả, do nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, mà theo lời các ngư dân là “mất mùa biển”, nhất là đối với phương tiện đánh bắt bằng lưới rê xù - đánh bắt cá thu.

Anh Hoàng Văn Ngoan, ở khối Thân Ái, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), chủ tàu NA 99869 TS cho biết: Do mất mùa biển, nên chuyến đi biển kéo dài đúng một tuần lễ vừa qua, tàu chỉ đánh bắt được 97,8kg cá thu, bán được 7,53 triệu đồng; trong lúc chi phí chuyến đi biển mất hơn 70 triệu đồng. Giá cá thu những năm trước khoảng 150.000 đồng/kg thì nay từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg... Thua lỗ kéo dài, anh Ngoan không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Rất nhiều chủ tàu đã chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu 67.

Rất nhiều chủ tàu đã chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu 67.

Một vấn đề quan trọng là nhiều chủ tàu 67 thiếu vốn lưu động để đầu tư thay đổi ngư lưới cụ, khi ngư lưới cũ đánh bắt không hiệu quả. Mặc dù theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP là ngư dân chỉ cần dùng con tàu hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp mà không phải dùng tài sản khác để thế chấp, nhưng trong quá trình đóng tàu 67, các ngân hàng ở Nghệ An đã nắm phần chắc về mình, khi đều bắt ngư dân ký thỏa thuận, thống nhất bổ sung thêm tài sản bảo đảm khác ngoài con tàu như: Nhà, đất để vay vốn đóng tàu.

Có nhiều gia đình ở Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) ngoài bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của gia đình còn mượn thêm nhiều bìa đỏ của anh em, người thân để thế chấp, có gia đình đã mượn tới 6 bìa đỏ để thế chấp. Do tài sản có giá trị đã cầm cố để giải ngân vốn đóng tàu xa bờ nên khi tàu làm ăn gặp khó khăn, ngư dân hầu như không còn tài sản để thế chấp vay vốn nhằm thay đổi ngư lưới cụ.

Nợ chồng nợ kéo dài, các ngân hàng buộc khởi kiện chủ tàu ra tòa, phát mại tài sản là các con tàu. Chỉ tính riêng Nghệ An đã có 20 khách hàng đang bị các ngân hàng khởi kiện hoặc cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thu hồi vốn cho ngân hàng.  Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thông qua hình thức khởi kiện ra tòa thường mất nhiều thời gian; quá trình xử lý tài sản bảo đảm là tàu biển thông qua thi hành án hoặc tự xử lý bị kéo dài do nhu cầu về tàu đánh bắt cá giảm mạnh so với lúc đóng mới; đồng thời, phát sinh nhiều chi phí khác như chi phí bảo quản, bảo dưỡng con tàu. Có những con tàu đã tổ chức đấu giá  lần thứ 5, kéo dài nhiều tháng trời nhưng vẫn chưa có người mua, trong lúc chi phí bảo quản tàu mất hàng triệu đồng mỗi ngày.

Để tìm hướng ra cho tàu 67, các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm gỡ vướng, giúp ngư dân có điều kiện vươn khơi trở lại. ÔngHoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đề nghị: Trước khó khăn thực tế nêu trên, biển mất mùa, ảnh hưởng dịch COVID -19, Chính phủ và ngân hàng cần có chính sách giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho ngư dân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, để họ tiếp tục vươn khơi bám biển, có như vậy họ mới có điều kiện tiếp tục trả nợ ngân hàng. Không chỉ bám biển đánh bắt hải sản, ngư dân còn là “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Thành Châu - Từ Thành
Ý kiến của bạn