Quy định tỷ lệ học sinh bán trú trong trường phổ thông dân tộc bán trú
Một chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 là Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT.
Theo đó, trường PTDTBT bảo đảm ổn định tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số và tỷ lệ học sinh bán trú như sau:
- Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người dân tộc thiểu số.
- Tỷ lệ học sinh bán trú:
+ Trường PTDTBT tiểu học: Có ít nhất 20% học sinh bán trú;
+ Trường PTDTBT trung học cơ sở: Có ít nhất 45% học sinh bán trú;
+ Trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở: Có ít nhất 32,5% học sinh bán trú hoặc có ít nhất 20% học sinh tiểu học bán trú và 45% học sinh trung học cơ sở bán trú.
Trường PTDTBT do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập và quản lý. Phòng GD&ĐT giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với trường PTDTBT.
Quy định mới này có hiệu lực từ ngày 18/3/2023.
Mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường
Thông tư 07/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2023 này, mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định dựa trên tổng vốn đầu tư dự án, đơn cử như sau:
- Đến 10 tỷ đồng: mức phí 6 triệu đồng.
- Trên 10 đến 20 tỷ đồng: mức phí 9 triệu đồng.
- Trên 20 đến 50 tỷ đồng: mức phí 15 triệu đồng.
- Trên 50 đến 100 tỷ đồng: mức phí 27 triệu đồng.
- Trên 100 đến 200 tỷ đồng: mức phí 30 triệu đồng.
- Trên 200 đến 500 tỷ đồng: mức phí 39 triệu đồng.
- Trên 500 đến 1000 tỷ đồng: mức phí 44 triệu đồng.
- Trên 1000 đến 1500 tỷ đồng: mức phí 48 triệu đồng.
- Trên 1500 đến 2000 tỷ đồng: mức phí 49 triệu đồng.
- Trên 7000 tỷ đồng: mức phí 61 triệu đồng.
Hiện nay, mức thu phí thẩm định được chia thành hai trường hợp (dựa trên cùng hoặc không cùng một cơ quan thẩm quyền phê duyệt).
Chính sách mới này có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký
Nghị định 02/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 này, các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký bao gồm:
- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 - 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 - 0,5 m3/giây.
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định.
- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 - 100.000 m3/ngày đêm.
- Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 02/2023/NĐ-CP và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012 nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do UBND cấp tỉnh công bố.
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.
Bổ sung khoản chi tổ chức các lớp bồi dưỡng công chức, viên chức trong nước
Thông tư 06/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CBCC), viên chức có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Theo chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2023 này, bổ sung các chi phí phát sinh trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa vào nội dung chi tổ chức các lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức trong nước, cụ thể:
- Chi mua sắm, thuê thiết bị, phần mềm và các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa: Phần mềm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; Bài giảng, phần mềm mô phỏng, thiết bị phục vụ giảng dạy trực tuyến từ xa; Chi phí đường truyền và các chi phí công nghệ thông tin khác.
- Chi số hóa tài liệu và các chi phí khác phục vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa.
Nội dung chi do các cơ sở bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức, giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng thực hiện.